Đề thi Vợ Chồng A Phủ theo hướng mới:
Đề bài Vợ Chồng A Phủ theo hướng mới năm 2023
Mở đầu truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết: “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô con gái ngồi quay sợi gay bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta nói : nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái nhà Pá Tra: cô ấy là vợ A Sử, con trai nhà thống lí Pá Tra”.
Kết thúc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết:
“Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
– A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
– Ở đây thì chết mất.
A Phủ chợt hiểu. Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.
A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”.
Cảm nhận đặc sắc hai đoạn văn trên, từ đó đưa ra nhận xét về giá trị nhân đạo mà Tô Hoài gửi gắm thông qua tác phẩm.
Dàn ý chi tiết
Đọc thêm: Chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong vợ chồng a phủ
Mở bài
Hình như mỗi nhà văn đều nặng nợ với một miền đất, một miền đời trong không gian muôn trùng đất dài sông rộng. Tô Hoài cũng vậy! Với ông, Tây Bắc chính là “món nợ ân tình” mà ông phải trả cho đồng bào nơi đây. Đất Tây Bắc “để thương để nhớ” cho Tô Hoài nhiều quá, làm sao ông có thể quên cho được hình ảnh vợ chồng A Phủ tháng năm nào chìm khuất trong bóng đêm của chế độ phong kiến miền núi tàn độc, áp bức, bóc lột, chà đạp con người. Bằng vốn hiểu biết phong phú về tập quán, phong tục miền cao Tây Bắc, “Vợ chồng A Phủ” ra đời.
Tác phẩm là câu chuyện về những người lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đạo, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Trong đoạn trích “Vợ chồng A Phủ” (trích trong tập Truyện Tây Bắc), Tô Hoài đã có cách mở đầu và kết thúc phần trích độc đáo và đầy dụng ý, từ đó ngấm ngầm gửi gắm tư tưởng nhân đạo sâu xa.
Đọc thêm: Vợ Chồng A Phủ full: Những vấn đề quan trọng
Thân Bài
Khái quát vài nét về tác phẩm
Tô Hoài từng tâm sự: “Tôi xem vài bài giảng về tác phẩm này, nhưng có lẽ các thầy giáo đã quá chăn chú đến nội dung tố cáo xã hội và giải phóng phụ nữ. Theo tôi giảng tác phẩm này là phải chú trọng đặc biệt đến nhân vật Mị, số phận của cô là sự hồi sinh mãnh liệt của con người cô. Sự hồi sinh của một con người là vô cùng quý”. Tuy chỉ là một truyện ngắn, song dường như đây là một tiểu thuyết thu nhỏ viết về những chuỗi ngày khổ đau lẫn hạnh phúc trong cuộc đời cô Mị. Truyện “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn hiện thực thấm đẫm tinh thần nhân đạo, chan chứa tấm lòng của một nhà văn nặng tình với đất và người trên quê hương Tây Bắc.
Phân tích hai đoạn trích
Một tác phẩm nghệ thuật hay phải thực sự hấp dẫn ngay từ phần mở đầu và có một kết thúc ấn tượng để lại dư vang trong tâm hồn người đọc. Khác với văn xuôi Việt Nam trước năm 1945, các tác phẩm viết sau Cách mạng tháng Tám chú trọng việc tạo dựng một nguồn năng lượng tích cực, hướng người đọc đến một cuộc sống mới, đến ánh sáng và niềm tin chứ không mãi đắm chìm trong tối tăm ô nhục.
“Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài cũng tương tự như thế! Đoạn văn mở đầu và đoạn văn kết thúc phần trích thực sự đặc sắc, góp phần thể hiện tư tưởng nhân văn sâu rộng của Tô Hoài.
Đọc thêm: Mở bài kết bài Vợ Chồng A Phủ gây ấn tượng mạnh
Đoạn trích thứ 1
Mở đầu truyện ngắn, Tô Hoài sử dụng giọng văn trầm buồn nhưng đầy ám ảnh để đưa người đọc vào thế giới Tây Bắc trước ngày giải phóng. Như một câu chuyện cổ tích từ thuở nào đó xa xưa lắm, Tây Bắc hiện ra với hai giai cấp đối lập nhau: một bên là thống lí Pá Tra (giai cấp thống trị), một bên là “cô con gái” tên Mị (giai cấp bị trị) đang sống lầm lũi, buồn tủi trong căn nhà sang giàu nhưng độc ác, bất lương.
Có thể nói nhân vật Mị thật sự trĩu nặng tâm can người đọc ngay từ đoạn văn này. Lòng dạ sắt đá bao nhiêu cũng phải xốn xang, xúc động se lòng trước một cô Mị tội nghiệp, đang kéo lê cuộc đời của mình, đang vùi chôn tuổi trẻ của mình trong căn nhà của thống lí Pá Tra, nơi tối tăm, tàn nhẫn chẳng khác nào chốn ngục thất trần gian.
Chỉ với câu văn mở đầu tác phẩm, Tô Hoài đã gợi ra những ấn tượng ban đầu về cô Mị: “Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Đàn bà con gái Tây Bắc “ngồi quay sợi gai” thôi thì có gì đâu phải nói đến, đó chỉ là công việc thường nhật của người phụ nữ miền sơn cước, làm để ăn, để thay đổi cuộc đời khốn khó nghèo nàn.
Nhưng không, một nhà văn sâu sắc và đầy tâm huyết như Tô Hoài không bao giờ chấp nhận viết ra những điều bình thường, giản đơn đến vậy. Tô Hoài viết tiếp: “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi gai, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.
Người con gái Tây Bắc đâu chỉ làm chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như “quay sợi gai”, dưới sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của bọn thực dân, chúa đất, người con gái Tây Bắc phải làm những công việc nặng nhọc mà lẽ ra những việc ấy phải do đàn ông sức dài vai rộng gánh gồng. Trong nhà thống lí Pá Tra, Mị chẳng những “quay sợi gai, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi”, mà còn “cõng nước dưới khe suối lên”. “Cõng nước”, hai tiếng ấy gợi ra cái tư thế khom lưng cúi người cõng ống nước to và nặng trên lưng. Phải chăng công việc này đã khiến bờ lưng người đàn bà ngày càng còng xuống, dáng đi lom khom, vì thế mà “lúc nào cũng cúi mặt”. Song, ám ảnh nhất trong đoạn văn này có lẽ là khuôn mặt “buồn rười rượi” của cô Mị.
Chi tiết “mặt buồn rười rượi” có giá rất đắt trong việc gợi tả thân phận, cuộc đời tủi buồn, khốn khổ của Mị. Xuyên suốt truyện ngắn, người đọc vẫn thường bắt gặp những hình ảnh: “buồn rười rượi”, “Mị cúi mặt”, “Mị càng không nói”, “lùi lũi”, “Mị bưng mặt khóc”… Cớ gì một người con gái xuân sắc lại phải buồn, phải tủi, phải lặng im đến thế? Phải rồi, thật chất Mị “không phải là con gái nhà Pá Tra”, mà là “vợ A Sử, con trai nhà thống lí Pá Tra”.
Đọc thêm: Đề thi THPT môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023
Một cuộc hôn nhân ép buộc theo phong tục lạc hậu của người Mông thuở ấy dồn Mị vào tình cảnh trớ trêu. Vì nghèo, vì món nợ truyền kiếp, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Chế độ phong kiến miền núi hà khắc, độc ác hơn cả chế độ phong kiến miền xuôi một thời được miêu tả cụ thể trong các tác phẩm của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… bóc lột sức lao động, áp chế tinh thần, khống chế sự tự do của người con gái. Đây là hiện thực ngột ngạt, đen ngòm của xã hội Tây Bắc trước ngày giải phóng. Tô Hoài đã miêu tả thật chân thật, xót xa.
Tóm lại, ngay từ đoạn văn mở đầu, hình ảnh Mị hiện ra thật tội nghiệp. Một số phận bất hạnh. Một đoạn đời ô nhục, u buồn. Ngôn ngữ dẫn chuyện của Tô Hoài giàu chất thơ, chất nhạc, mang đặc trưng của chốn núi non, rừng thẳm, song man mác buồn như cái buồn của cuộc đời cô Mị.
Đoạn trích thứ 2
Với tấm lòng nhân đạo cao cả, nhà văn đã không nhấn chìm Mị trong tăm tối, khổ đau. Bằng những cách khác nhau, nhà văn đã vực dậy sức sống vốn dĩ rất tiềm tàng và mãnh liệt bên trong “con rùa lùi lũi” kia. Đoạn kết phần trích “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã để cho khát vọng sống của cô gái khốn khổ này dâng lên cao trào. Khát vọng biến thành hành động cụ thể, Mị đã dũng cảm cắt dây trói cứu A Phủ và chạy trốn cùng A Phủ đến Phiềng Sa, bắt đầu một cuộc sống mới.
Không gian nghệ thuật của đoạn văn là mùa đông giá rét. Mùa đông vùng cao se sắt thịt da, lạnh buốt, “dài và buồn” như cái buồn của cuộc đời cô Mị. Thời gian nghệ thuật của đoạn văn là đêm khuya, lúc mà Mị ra thổi lửa hơ bụng, hơ tay, trông thấy “dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã sạm đen lại của A Phủ”. Thương mình năm xưa cũng bị trói như vậy, cũng đớn đau, khốn khổ như vậy, Mị chuyển sang thương người. Cao trào của xúc cảm chính là hành động cắt dây trói cứu A Phủ.
“Mị đứng lặng trong bóng tối”, câu văn gợi lên nhiều điều sâu xa. “Bóng tối” ở đây là bóng tối của đêm đông vùng cao, nhưng phải chăng cũng là bóng tối của xã hội phong kiến – thực dân đang đày đọa, giam hãm con người? Dường như là thế.
Đã bao lần Mị đứng trong bóng tối? Chắc là nhiều lần lắm không sao đếm xuể. Cuộc đời Mị từ khi trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra đã trượt dài trong bóng tối còn gì. Trong đêm xuân năm nào Mị bị trói, Mị cũng đứng trong bóng tối.
Trong đêm đông năm nay, Mị cũng “đứng lặng trong bóng tối”. Mị “đứng lặng” nhưng trong đầu ngổn ngang những suy nghĩ, “đứng lặng” mà lòng dạ không hề tĩnh lặng. Đi hay không? Dường như Mị vẫn đang mơ màng nghĩ về “thần quyền” bao nhiêu năm trói buộc Mị ở nhà thống lí.
Dường như Mị đang nghĩ nếu ở lại thì gia đình thống lí sẽ trói Mị vào cái cọc ấy thế mạng cho A Phủ (vì chính Mị đã cắt dây trói cứu anh). Và, dường như Mị cũng đang mơ màng hỏi lòng: đi đâu, rồi cuộc đời có được sung sướng, hạnh phúc hơn hay không?
Mọi “dường như” đều chỉ là phỏng đoán. Song, một sự phỏng đoán đầy logic, xuôi theo tâm trạng và sự hồi sinh dần dần của cô Mị. Cuối cùng, “Mị cũng vụt chạy ra”. Tô Hoài đã nhắc đến tiếng “chạy” nhiều lần: “vụt chạy”, “chạy, chạy xuống tới lưng dốc”, “lao chạy xuống dốc núi”. Hành động này mang nhiều ý nghĩa. “Chạy” là để thoát khỏi căn nhà tàn độc với những cách trị người tàn bạo, ghê rợn.
“Chạy” để giải thoát chính bản thân mình, bằng tâm thế của một người đàn bà chủ động phá bỏ cái rào cản ngăn cách mình với sự tự do, cái rào cản bao năm khung người đàn bà trong cuộc sống tăm tối, trong môi trường bào mòn khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, khiến Mị đánh mất chính mình.
Đọc thêm: Bộ đề thi thpt quốc gia môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023
“A Phủ cho tôi đi”, câu nói gấp ráp trong hơi gió thốc, chưa để cho A Phủ đáp lại, Mị nói tiếp: “Ở đây thì chết mất”. Phút giây này Mị đã nhận ra nguyên nhân của nỗi khổ mà mình chịu đựng bao nhiêu năm qua. Thống lí Pá Tra và thế lực phong kiến đã hủy hoại thanh xuân, hạnh phúc và tâm hồn của cô Mị xinh đẹp năm nào.
Những ngày ở nhà thống lí, sống chẳng qua chỉ là sự tồn tại sinh học, còn tâm hồn Mị đã héo hắt từ lúc nào không hay. Mị đã thấm thía ra nỗi cơ khổ, bĩ cực của chính mình. Điều Mị nhận lại lúc này chính là sự đồng cảm từ A Phủ. Một “người đàn bà chê chồng” đã sẵn sàng chạy theo A Phủ dù chưa biết được đoạn đường phía trước sẽ ra sao, tươi sáng hay tăm tối. Nhưng Mị vẫn đi. Vì sao? Bởi “Hạnh phúc là đấu tranh” chứ không phải là hành trình may rủi, nếu không biết vực dậy mà sống tiếp, mà giải thoát thì sẽ chìm trong những vô vị, nhạt nhẽo và đau đớn của cuộc đời.
A Phủ cho Mị đi theo, phải chăng vì A Phủ cảm cái tấm lòng của người đàn bà sẵn sàng cắt dây cởi trói cho người xa lạ trong đêm giá rét? Trong giây phút sinh tử này không ai nghĩ được gì nhiều, sự sống chính là cái đích trước mắt để họ nỗ lực bước tiếp. Vì thế, “hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”.
Sự phản kháng của Mị lúc này thật táo bạo, nó đã thành hành động cụ thể. Mị giải thoát số phận cho mình và cho A Phủ. Sự phản kháng mạnh mẽ trong Mị đi từ tự phát đến tự giác. Nhịp điệu câu văn gấp rút, nhanh như nhịp thở, nhanh như hành động chạy đi để thoát khỏi vòng kìm cặp độc địa.
Ngôn từ gần gũi như lời ăn tiếng nói người dân lao động khổ nghèo. Tô Hoài đã kết thúc phần trích đặc sắc, gợi lại niềm tin, hi vọng sống, ánh sáng của hạnh phúc le lói trước mắt người đọc.
Nhận xét giá trị nhân đạo mà tác giả muốn gửi gắm.
Mị điển hình cho tình trạng con người bị mất đi quyền sống. Rõ ràng, tiếng nói của chế độ phong kiến đã được cất lên nhân danh quyền sống. Cái chế độ ấy thật đáng lên án bởi nó không chỉ cướp đi quyền sống của con người, đày đọa con người mà còn làm cạn khô nhựa sống, làm lụi tắt ngọn lửa sống, niềm vui sống của những con người vô cùng đáng sống.
Qua hai đoạn văn, ta thấy được những nét đặc sắc trong tư tưởng của tác phẩm: Miêu tả nỗi thống khổ, thân phân đau đớn của nhân vật và tội ác của cường quyền. Ngợi ca sức sống tiềm tàng của nhân vật, quá trình vùng lên của con người nơi vùng cao Tây Bắc. Tô Hoài đã miêu tả chân thật, sinh động chi tiết ấy bằng bút phát hiện thực, phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, lối kể chuyện hấp dẫn và ngôn ngữ đầy tính tạo hình.
“Vợ chồng A Phủ” vừa là thành tựu tương đối hiếm hoi của văn xuôi kháng chiến, vừa ghi dấu sự trưởng thành của ngòi bút Tô Hoài trong sự chiếm lĩnh mảng đề tài miền núi, một đề tài tới nay vẫn còn nhiều mới lạ với bạn đọc. Truyện được tổ chức chặt chẽ, dẫn dắt rất dung dị, tự nhiên, không cần chạy theo những chi tiết li kì rùng rợn mà vẫn có sức hút mạnh mẽ.
Đọc thêm: 49 Nhận định văn học siêu chất để dành điểm 8 kì thi 2023
Có được điều đó chính là nhờ chủ nghĩa nhân đạo tích cực của nhà văn. Sự thể hiện cuộc đời hai nhân vật trung tâm từ bóng tối đau khổ, ô nhục vươn ra ánh sáng của tự do và nhân phẩm đã chứng minh rất rõ điều đó.
Kết bài
Hơn nửa thế kỉ trôi qua, cho đến nay, Mị vẫn còn đủ sức ám ảnh tâm can con người. Một cô gái Mông xinh đẹp. Một thân phận khổ đau. Một người đàn bà mạnh mẽ chuyển mình từ “tự phát” đến “tự giác” vùng lên đi tìm cuộc sống tự do. Hơi thở Tây Bắc dường như man mác trong từng câu chữ.
Ra đời đã lâu, tuy vậy truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vẫn còn nguyên sơ giá trị của nó, văn phong Tô Hoài vẫn mang một sắc thái riêng biệt không trộn lẫn vào bất kì gương mặt nào. Và mỗi lần giở lại từng trang văn Tô Hoài, hình ảnh cô Mị vẫn tác động mạnh mẽ vào xúc cảm người đọc, buồn, đau, khổ, hạnh… mọi thứ vẫn như lần đầu khám phá không gì đổi thay…
Đề thi Vợ Chồng A Phủ theo hướng mới
Originally posted 2019-06-14 22:37:56.
Để lại một phản hồi