Phân tích bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ

phân tích bức tranh phố huyện

Phân tích bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ

Đề bài: Phân tích bức tranh phố huyện trong Hai đứa trẻ

Thạch Lam là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn với nột phong cách viết rất độc đáo, rất mới là: truyện nhưng không có chuyện. Một trong những tác phẩm hay và nổi tiếng của ông đã để lại những lắng sâu, những nghĩ suy, những dư âm nhẹ nhàng mà sâu sắc cho độc giả, đó là truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.

Liên quan: Sơ đồ tư duy Hai Đứa Trẻ

“Hai đứa trẻ” chỉ là một mảnh đời thường bình lặng của một phố huyện nghèo từ lúc chiều xuống cho tới đêm khuya, với hương vị màu sắc, âm thanh quen thuộc của con phố huyện nghèo và nỗi buồn mơ hồ với những khao khát đến tội nghiệp của hai đứa trẻ. Dưới con mắt ngây thơ của “Hai đứa trẻ”, người đọc dường như cùng nhập cuộc, cùng theo dõi, để rồi bức tranh thiên nhiên và bức tranh đời sống của phố huyện nghèo, của những con người bình dị, lam lũ hiện lên.

Dưới ngòi bút của nhà văn Thạch Lam, con phố huyện hiện lên trong nắng chiều dần tắt, trong cái nhập nhòe nửa sáng nửa tối và trong cái chập chờn của màn đêm bao la với vài ngọn đèn lay lắt. Cuộc sống hiện lên như những vật thể nhỏ xíu, trong cái đèn kéo quân đang hết dầu chầm chậm quay, để rồi rơi vào màn đêm sâu thẳm. Cảnh phố huyện khi chiều tà không có gì hấp dẫn, hoạt động của con người thì lẻ tẻ, đơn điệu.

Bức tranh con phố huyện về chiều thì dần dần đen lại, chập chờn còn mấy ngọn đèn nhưng cứ lôi cuốn người đọc dõi theo cùng cô bé Liên. Liên là một cô bé có sự quan sát, cảm nhận rất nhạy cảm và nó có cả sự ngây thơ của một cô bé. Dưới con mắt của Liên, bức tranh đời sống phố huyện nghèo đã hiện lên thật sống động và chân thực, gây nên cảm xúc trữ tình, tạo nên cảm giác buồn thương cho người đọc.

Liên quan: Phân tích nhân vật liên trong tác phẩm hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam

Mở đầu câu chuyện, bức tranh phố huyện đã được hiện lên dưới sự quan sát tài tình của nhà văn Thạch Lam: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây, đỏ rực như lửa cháy và những đám mây hồng như hòn than sắp tàn, dãy tre làng trước mắt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Điệp từ “chiều” được nhắc đi nhắc lại, như để nhấn mạnh bóng tối đang dần lan toả, bao chùm lên con phố và rất nhanh thấm vào tâm hồn ngây thơ của Liên.

Những âm thanh “êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng” đã khiến trong Liên dậy lên một nỗi “buồn man mác”. Phiên chợ thì đã “vãn từ lâu”, “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”, và chỉ còn lại sự nghèo nàn, xa xác với những“rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá nứa”, chỉ còn lại “mùi âm ẩm bốc lên”, chỉ còn lại hơi nóng ban ngày, mùi cát bụi và cảnh mấy đứa con nhà nghèo lom khom đi lại, tìm tòi.

Và rồi giữa cái buồn u ám của con phố huyện khi về chiều, hình ảnh của những con người nghèo khổ lần lượt hiện lên. Đó là mẹ con chị Tí xách điếu đóm, đội chõng tre dọn hàng nước mặc dầu chẳng kiếm được bao nhiêu, đó là gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau trắng để trước mặt, đó là hàng phở của bác Siêu đến trong “tiếng đòn gánh kĩu kịt”, và cả bà cụ Thi hơi điên vẫn mua rượu ở hàng Liên cất tiếng cười khanh khách lẽo đẽo đi vào trong màn đêm tối mênh mông, lay lắt như ngọn đèn trước gió của “hàng nước chị Tí”. 

Đọc thêm: Phân tích nhân vật chí phèo ngắn gọn hay nhất

Ngày qua ngày, trong bóng đêm ấy là những con người lao động nghèo khổ. Vì cái nghèo, mà ngay cả trong đêm tối họ vẫn phải lao động, họ phải thắp sáng đêm thành ngày để tiếp tục lao động. Ánh sáng soi rọi cho những mảnh đời của họ phải chăng chỉ là sự lay lắt như chiếc đèn của chị Tí. Sự sang trọng, vùng sáng lớn của con tàu đi qua phố huyện trong đêm chỉ lướt qua rồi mất hút vào đêm tối, chỉ là cái gì thật mơ hồ, xa lạ không biết bao giờ mới đến với cuộc đời của chị em Liên, của người dân phố huyện này.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là tiêu biểu cho văn phong của nhà văn Thạch Lam: truyện nhưng không có chuyện. Dưới ngòi bút tài hoa của mình, Thạch Lam đã miêu tả đời sống thật, đời sống tối tăm, không hi vọng của người dân một vùng quê, một phố huyện nghèo mà gieo vào lòng ta một sự hoài nghi về xã hội thời nhà văn sống.

5/5 - (1 bình chọn)

Originally posted 2019-03-01 22:08:07.

Giới thiệu Trọng Dũng 408 bài viết
Xin Chào anh là Trọng Dũng quan trị viên của Hocvan12. Với niềm đam mê văn học cùng với sự hợp tác và tư vấn của các giảng viên, giáo viên đã tạo nên Hocvan12 với mục đích mang lại những giá trị tốt đẹp đến với những bạn học sinh. Hocvan12 mong muốn mang đến những bài giảng hay, những phương pháp mới để từ đó giúp đỡ cho quá trình học tập và ôn luyện của các bạn học sinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*