Phân tích vẻ đẹp chiếc lưới vó ở đầu truyện và cuối truyện

Đề Bài: Phân tích vẻ đẹp “chiếc thuyền lưới vó”ở đầu truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mà nhân vật Phùng đã phát hiện ra và hình ảnh “những tấm ảnh tôi mang về”ở cuối truyện. Từ đó làm nổi bật thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Phân tích vẻ đẹp chiếc lưới vó ở đầu truyện và cuối truyện: Đề Bài: Phân tích vẻ đẹp “chiếc thuyền lưới vó”ở đầu truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu mà nhân vật Phùng đã phát hiện ra và hình ảnh “những tấm ảnh tôi mang về”ở cuối truyện. Từ đó làm nổi bật thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Bài Làm

Giới thiệu vẻ đẹp chiếc thuyền

Nhà văn Nam Cao từng nói : “Nghệ thuật không phải và chưa bao giờ là ánh trăng lừa dối”, nhắc tới nghệ thuật, đôi khi người ta cứ nghĩ đến cái gì đó quá xa vời và trừu tượng nhưng thực chất, nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc sống và bản thân nó xuất phát từ cuộc sống, phản ánh lại cuộc sống. Đến với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, chúng ta nhận thấy rõ ràng thông điệp đó được nhà văn truyền tải  qua hình ảnh đối lập của chiếc thuyền lưới vó ở đầu truyện và tấm ảnh mang về ở cuối truyện, từ nhận thức của nhân vật Phùng mà khéo léo đưa ra quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Phân tích chiếc thuyền ở hai lần xuất hiện

Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác sau năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất, cuộc sống với “muôn mặt đời thường” đã mở lại sau chiến tranh, vô vàn vấn đề của đời sống văn hóa, nhân sinh , đạo đức… cần được nhìn nhận và như một lẽ tất yếu, văn học cũng cần phải thay đổi  theo đó. Nguyễn Minh Châu đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này và trở thành “người mở đầu tinh anh và tài năng nhất” của văn học đương thời, ông quan niệm cái đẹp là cái thường ngày, là cuộc sống, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa chính là một tiêu biểu cho những sáng tác “văn xuôi đời thường” in đậm phong cách tự sự, triết lí của ông.

Đọc thêm: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Câu chuyện mở đầu bằng một tình huống tưởng chừng rất bình thường: nhiếp ảnh gia Phùng theo yêu cầu của cấp trên về vùng duyên hải để tìm kiếm, phát hiện và chụp những bức ảnh thật độc đáo

 đặc sắc cho bộ lịch năm tới. Đó thực chất chỉ là một cái cớ để mở ra những diễn biến của câu chuyện đầy nghịch lí phía sau và những nhận thức vỡ lẽ của anh. Suốt mấy buổi sáng “phục kích” mà vẫn chưa thu được chút thành quả nào, Phùng suy nghĩ suốt một tuần lễ và quyết định sẽ thu vào máy ảnh cảnh thuyền đánh cá thu lưới lúc bình minh. Và rồi, một sáng sớm trời đầy sương, Phùng bất chợt phát hiện ra một “cảnh đắt trời cho”, một cảnh đẹp mà có lẽ cả đời bấm máy anh mới được diễm phúc gặp một lần, đó là khoảnh khắc một chiếc thuyền lưới vó đang chèo lại chỗ anh trên biển cả mênh mông hùng vĩ, tươi đẹp trong ánh bình minh rực rỡ “đẹp như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”.

Hình ảnh con thuyền được nhà văn khắc họa vô cùng ấn tượng: “mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lần trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Tất cả khung cảnh ấy “nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, mọi thứ từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp đơn giản mà toàn bích”.

Phân tích vẻ đẹp chiếc lưới vó ở đầu truyện và cuối truyện
Phân tích vẻ đẹp chiếc lưới vó ở đầu truyện và cuối truyện

Là người nhạy cảm với cái đẹp, đứng trước bức tranh hoàn mĩ đến ngỡ ngàng ấy, Phùng không thể giữ mình khỏi bối rối, xao xuyến, “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, anh tưởng như chính mình vừa khám phá thấy cái “chân lí của sự toàn diện, thấy cái khoảnh khắc trong ngần trong tâm hồn”. Cảm xúc thẩm mĩ dấy lên trong lòng và tâm hồn như được gột rửa trở nên thật trong trẻo, tinh khôi, điều này mang ý nghĩa rằng cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người.

Đọc thêm: So sánh hai đoạn văn trong Người lái đò sông Đà

Qua khoảnh khắc đáng giá và “cảnh đắt trời cho” của chiếc thuyền lưới vó mà Phùng may mắn phát hiện được, nhà văn muốn nhắn gửi tới độc giả thông điệp về nghệ thuật chân chính: người nghệ là luôn luôn khát khao đi tìm cái đẹp, cái đẹp tuy hiện hữu ở mọi nơi nhưng muốn thấy được nó thì phải kiên nhẫn đầu tư nhiều thời gian và công sức lao động nghệ thuật, phải thực sự lăn mình vào cuộc sống, hòa nhập và cảm nhận hết dư vị của nó. Tác giả cũng muốn khẳng định cái đẹp tồn tại ở chính cuộc sống con người, giữa thiên nhiên hùng vĩ, chinh phục hoàn toàn những khát vọng thẩm mĩ của người nghệ sĩ trẻ.

 Ngay lúc ấy, Phùng đã bấm liên thanh một hồi hết một phần tư cuốn phim, lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy và bức ảnh về sau không những cấp trên rất hài lòng mà nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và “được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”.

Có lẽ ít người biết rằng đằng sau bức ảnh nghệ thuật tưởng như rất đỗi bình yên ấy lại là một câu chuyện ngang trái đầy nghịch lí, một số phận khổ đau mà mỗi khi nhìn lại, Phùng vẫn bị ám ảnh, anh thấy “một người đàn bà bước ra khỏi tấm ảnh, một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm…”

Đó là câu chuyện cuộc đời của người đàn bà làng chài trên chiếc thuyền ấy, câu chuyện đã khiến Phùng và chánh án Đẩu- bạn của anh thay đổi hoàn toàn nhận thức về cuộc sống và cái đẹp. Vị nhiếp ảnh gia đã vô tình chứng kiến một cuộc hành hung dã man ngay trước mặt mình, khi con thuyền đâm vào chỗ anh đứng, một người đàn ông to lớn ra tay đánh đập người vợ một cách tàn nhẫn. Cảnh tượng kinh hoàng đó ập đến quá bất ngờ, trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp “mơ hồ lòe nhòe” bên ngoài khi nhìn từ xa của con thuyền.

Đọc thêm: Phân tích hai trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ Phùng

Độc giả chợt ngộ ra một điều rằng cuộc đời không hề đơn giản, một chiều mà nó chứa đựng nhiều nghịch lí, luôn tồn tại những mặt đối lập, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình thức bên ngoài với mội dung bên trong, chúng không phải lúc nào cũng thống nhất. Khi đánh giá một con người cũng vậy, cha ông ta cũng đã dạy “đừng trông mặt mà bắt hình dong”, đừng đánh giá bất kì thứ gì khi chưa tìm ra cái bản chất bên trong nó.

Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện của người đàn bà làng chài khốn khổ thà tiếp tục sống trong đòn roi chứ nhất định không nhận sự giúp đỡ của Đẩu, những phẩm chất đáng quý, đức hi sinh cao cả của chị còn đem đến cho Phùng và độc giả nhận thức sâu hơn nữa, đó là cuộc sống không hề đơn giản như ta thấy, nó chứa đựng rất nhiều uẩn khúc, cuộc sống có những lí lẽ riêng của nó mà phải khi chúng ta ở trong hoàn cảnh ấy, là chính con người ấy mới có thể hiểu được, thậm chí đôi khi chính họ còn không hiểu nổi mình.

Vẽ nên hình ảnh chiếc thuyền lưới vó đẹp như tranh vẽ ở đầu truyện và bức ảnh nghệ thuật được vị nhiếp ảnh gia lưu lại ở cuối truyện, tuy cùng là một sự vật, một cảnh đẹp thiên nhiên nhưng ở thời khắc xuất hiện của chúng lại là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn. Nếu như cảnh thứ nhất chỉ đơn giản là một cảnh đẹp hùng vĩ của thiên nhiên mà người nghệ sĩ có diễm phúc được ngắm nhìn thì ở bức ảnh mang về lại là cả một câu chuyện, một kiếp người, một khám phá nhận thức mới sâu xa hơn về cuộc sống.

Đọc thêm: So sánh Chiều Tối và Tràng Giang để thấy vẻ đẹp cổ điển và hiện đại

Phùng chợt ngộ ra rằng nghệ thuật không thể xa cách với hiện thực nhọc nhằn, cay cực của con người, nghệ thuật phải dành ưu tiên trước hết cho con người, góp phần giải phóng con người khỏi sự cầm tù của đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Và hơn ai hết, người nghệ sĩ phải có tấm lòng biết trăn trở về số phận, phải nhìn cuộc đời sâu sắc, đa chiều, không thể dễ dãi nhận xét và phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để ngộ ra những điều trước giờ chưa từng khám phá, phải có quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ. Như vậy, họ sẽ mang đến cho đời một tác phẩm nghệ thuật chân chính, một tác phẩm thể hiện được chiều sâu, bản chất của hiện thực đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ, lãng mạn.

Khẳng định lại vẻ đẹp chiếc thuyền

Tình huống truyện độc đáo kết hợp với nghệ thuật trần thuật tài ba, cách miêu tả, xây dựng sự đối lập giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh và hiện thực ngang trái cay đắng của con người qua hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa ở đầu và cuối truyện đã giúp nhà văn gửi gắm thông điệp về nghệ thuật và cuộc sống tới độc giả. Chúng ta sống là hướng tới cái đẹp, nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng đẹp mà nó còn nhiều góc khuất tăm tối, nghịch lí vì vậy phải quan sát thật kĩ, phải đặt mình vào vị trí của kẻ khác mà cảm nhận và suy ngẫm. Đôi khi có những thứ nhìn từ xa thì rất đẹp nhưng lại gần thì vô cùng xấu xí, thô kệch, có những chuyện tưởng là vậy nhưng lại không phải vậy.

5/5 - (1 bình chọn)

Originally posted 2019-04-29 16:15:34.

Giới thiệu Trọng Dũng 408 bài viết
Xin Chào anh là Trọng Dũng quan trị viên của Hocvan12. Với niềm đam mê văn học cùng với sự hợp tác và tư vấn của các giảng viên, giáo viên đã tạo nên Hocvan12 với mục đích mang lại những giá trị tốt đẹp đến với những bạn học sinh. Hocvan12 mong muốn mang đến những bài giảng hay, những phương pháp mới để từ đó giúp đỡ cho quá trình học tập và ôn luyện của các bạn học sinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*