Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Đề Bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả:

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của bà cụ Tứ. Chiều hôm trước, khi biết con trai mình dắt vợ: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt…Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.”

Và sáng hôm sau, trong buổi cơm “Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này.”

(Kim Lân – Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr28 và tr31)

Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong hai lần miêu tả trên, từ đó là nổi bật thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm qua nhân vật này.

Bài Làm

Đặt vấn đề: Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Trong truyện ngắn đặc sắc Vợ nhặt của nhà Văn Kim Lân, nhân vật bà cụ Tứ không phải nhân vật trung tâm, chỉ xuất hiện ở nửa sau tác phẩm nhưng lại là một phần quan trọng không thể thiếu góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Thiếu đi nhân vật này, truyện sẽ không còn hấp dẫn nữa, hoặc nếu có cũng là hấp dẫn theo cách khác. Bà cụ Tứ đã giữ cho tác phẩm có chiều sâu và đặc biệt qua những biến đổi tâm trạng hôm trước và sáng hôm sau khi có nàng dâu mới của bà đã góp phần thể hiện thông điệp Kim Lân muốn gửi gắm tới độc giả.

Đọc thêm: So sánh hai đoạn văn trong Người lái đò sông Đà

Giải quyết vấn đề: Phân tích bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Cũng như Tràng, bà cụ Tứ là dân xóm ngụ cư, nghèo khổ và đói rách, xuất hiện với cái dáng vẻ “lọng khọng vừa đi vừa húng hắng ho vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”, ta bắt gặp dáng vẻ thân thương quen thuộc của người mẹ Việt Nam một đời chịu thương chịu khó, dáng vẻ gầy gầy, còng còng vì gió sương, nắng mưa cuộc đời. Bà cụ Tứ là biểu tượng của người mẹ Việt Nam, từ ngoại hình cho tới phẩm chất, bà yêu thương và lo lắng cho con cái hết mực.

Buổi chiều hôm ấy, vừa lọng khọng đi từ ngoài rặng tre về, bà đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, đầu tiên là anh cu Tràng lật đật chạy ra đón, reo lên: “U đã về đấy” sự nóng ruột đón tiếp khác thường của anh con trai khiến bà cảm thấy phấp phỏng trong lòng. bà chậm chạp bước vào nhà theo Tràng, đến  giữa sân thì sững lại, vô cùng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của thị, hàng loạt câu hỏi ập đến đầu óc già nua của bà “ Quái, sao lại có người đàn bà nào trong nhà ấy nhỉ.

Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?” “Ai thế nhỉ?”, bà còn ngạc nhiên hơn khi người đàn bà xa lạ chào mình bằng u “Ô hay thế là thế nào nhỉ?” bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Sự ngạc nhiên của bà đầu tiên xuất phát trực tiếp từ sự có mặt của thị trong nhà, nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì anh cu Tràng vốn nghèo khổ xấu xí, tưởng như đã ế vợ, có lẽ không bao giờ bà lại ngờ được có một ngày bỗng nhiên có người phụ nữ lạ mặt xuất hiện trong nhà và gọi mình bằng u. Phải, bà làm sao ngờ được trong những ngày đói quay quắt đến cái thân mình còn lo chưa xong thế mà con mình lại dẫn thêm về một cô vợ. Sau khi nghe Tràng giải thích, bà cúi đầu nín lặng, “bà lão hiểu rồi”, trong lòng người mẹ già khốn khổ ấy ngổn ngang những nỗi niềm, những suy nghĩ lo âu, vừa ai oán vừa xót thương.

Đọc thêm: So sánh giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ Nhặt và Chí Phèo

Bà thương cho con, thương cho số kiếp nghèo khổ của mình “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi…còn mình thì…” cõi lòng bà như quặn thắt lại đầy chua xót, cưới xin là việc trọng đại “làm được dăm ba mâm thì phải” nhưng “nhà mình nghèo” nên cái dăm ba mâm ấy có lẽ chỉ nằm mãi trong suy nghĩ chứ không thực hiện được. Nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của các con- lấy nhau trong nghèo đói- mà bà nghẹn ngào không nói nên lời “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… biết rắng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua cơn đói khát này không” biết bao người đã bỏ mạng vì đói, không thì cũng sống vất vưởng như những bóng ma, bà cũng hiểu lí do thị xuất hiện ở đây “người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Mà con mình mới có vợ được”, vừa mừng vừa tủi, bà cũng xót thương nàng dâu mới. Rồi nén nỗi đau trong lòng, bà động viên các con “liệu mà bảo nhau làm ăn rồi may ra ông giời cho khá…ai giàu ba họ ai khó ba đời…”. Bà tủi thân, tự trách mình trong hoàn cảnh này chẳng lo được gì cho con, và dù giữa nạn đói này thêm một miệng ăn là thêm một bước tiến gần đến cái chết, bà vẫn bao dung chấp nhận nàng dâu mới vì thực chất thị theo Tràng về cũng là chút thiệt thòi.

Động viên các con là thế nhưng trong thâm tâm bà hiểu rõ hơn ai hết hoàn cảnh gia đình mình, bà đăm đăm nhìn ra ngoài sân, “bóng tối bao trùm lấy con mắt”, nghĩ về người chồng và đứa con gái út đã bị cái đói cướp đi sinh mạng, nghĩ đến quãng đời cực khổ dài dằng dẵng của mình mà lo lắng không biết vợ chồng chúng nó lấy nhau rồi có khá hơn bố mẹ nó được không…nước mắt cứ thế chảy xuống ròng ròng trên khuôn mặt gầy gò nhăn nheo đầy lam lũ của bà. Những giọt nước mắt nói lên tất cả tấm lòng chân thật của bà.

Sáng hôm sau, tâm trạng ai cũng khá lên, bà cụ cũng thế, dậy từ sáng sớm quét dọn nhà cửa, “cái mặt bủng bao u ám thường ngày rạng rỡ hẳn lên”, suốt bữa cơm thảm hại ngày đói với độc lùm rau chuối thái rối với niêu cháo lõng bõng, bà cụ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này: “Tràng ạ, có tiền ta mua lấy đôi gà. tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm chuồng gà thì tiện quá…ngoảnh đi ngoảnh lại mấy mà có ngay đàn gà..” chính người đàn bà gần đất xa trời này lại nói đến tương lai nhiều hơn tất cả.

Đọc thêm: Dàn ý vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài

Đó không đơn thuần chỉ là tâm lí lạc quan, niềm ao ước của người dân lao động mà còn có mục đích gieo rắc vào đầu các con niềm tin, niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, được hạnh phúc, được no ấm. Cho dù đói tới mức phải ăn cháo cám, bà cụ vẫn hăm hở lạc quan: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ!”, chính cái tinh thần lạc quan vui vẻ của bà làm cho nồi cháo chát xít, nghẹn bứ trong cổ họng trở nên ngon ngọt trong lòng, là món quà của sự đôn hậu yêu thương.

Tấm lòng người mẹ quê thật đáng quý làm sao, bà cố xua đi không khí ảm đạm u tối thường ngày, vượt lên trên nghịch cảnh để lan tỏa hy vọng tươi sáng cho các con. Đó chính là lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ già, sự hy sinh, nén nỗi đau của mình lại để nở một tiếng cười thả một niềm tin với mong muốn thắp lên chút tia sáng cho đôi vợ chồng trẻ giữa lúc nạn đói hoành hành và đe dọa cuộc sống của họ.

Nhờ nhân vật bà cụ Tứ mà câu chuyện đậm đà hơn với những cung bậc cảm xúc phong phú mà đa dạng, nhà văn Kim Lân với tài năng, vốn sống và tình cảm thiết tha trìu mến đã xây dựng thành công hình ảnh chân thật và cảm động về người mẹ nông dân nghèo khổ mà có tấm lòng bao dung, vị tha, lạc quan, luôn quan tâm và hi sinh vì con cái.

Đọc thêm: Sơ Đồ Tư Duy: Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân

Từ nhân vật này ông truyền tải tới độc giả một thông điệp ý nghĩa đó là khi đói người ta không  nghĩ đến cái chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống, dù cuộc sống có bi thảm đến đâu, dù ngấp nghé giữa sự sống và cái chết, người ta vẫn lạc quan vui vẻ mà hướng tới niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng hơn và cố gắng sống cho ra người.

Ban ngày làm việc vất vả, nhặt nhạnh đủ thứ để ăn để sống cho qua ngày đoạn tháng nhưng tối về họ lại có một gia đình, một nơi để trở về và tạm gác lại những lo toan bộn bề mà yên giấc bên những người thân yêu rồi ngày mai khi thức dậy lại thấy hừng đông bừng sáng lên những hi vọng mới.

Kết thúc vấn đề: Khẳng định vẻ đẹp bà cụ Tứ qua hai lần miêu tả

Tuy không phải là nhân vật chính nhưng bà cụ Tứ lại được nhà văn dành sự ưu ái hơn cả, bà hội tụ đầy đủ những đức tính của người phụ nữ Việt Nam. Những diễn biến cảm xúc đa dạng của bà từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, từ đau buồn tủi hờn, bi quan đến lạc quan hứng khởi với những câu chuyện sung sướng về sau này…tất cả đã giúp cho thông điệp mà nhà văn Kim Lân gửi gắm tới bạn đọc trở nên trọn vẹn hơn.

4.4/5 - (14 bình chọn)

Originally posted 2019-04-29 15:33:52.

Giới thiệu Trọng Dũng 408 bài viết
Xin Chào anh là Trọng Dũng quan trị viên của Hocvan12. Với niềm đam mê văn học cùng với sự hợp tác và tư vấn của các giảng viên, giáo viên đã tạo nên Hocvan12 với mục đích mang lại những giá trị tốt đẹp đến với những bạn học sinh. Hocvan12 mong muốn mang đến những bài giảng hay, những phương pháp mới để từ đó giúp đỡ cho quá trình học tập và ôn luyện của các bạn học sinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*