Liên hệ Việt Bắc và Từ Ấy để thấy sự vận động và phát triển của cái tôi Tố Hữu
Đề bài
Cảm nhận của anh/chị về cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:
…Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay…
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu – Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 112)
Từ đó liên hệ với đoạn:
…“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”…
(Trích Từ ấy , Tố Hữu – Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 43)
Để nêu nhận xét về sự vận động và phát triển của cái tôi trữ tình Tố Hữu qua 2 đoạn thơ trên.
Liên quan: Liên hệ hình tượng người lính Tây Tiến và Việt Bắc dàn ý chi tiết
Mở bài
Bài thơ Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu viết vào tháng 10 – 1954, tức sau chiến thắng Điện Biên Phủ (5 – 1954), miền Bắc được giải phóng. Các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc (thủ đô của cuộc kháng chiến) về Hà Nội. Sự lưu luyến kẻ ở người về là nguồn cảm xúc lớn cho Tố Hữu viết nên bài thơ này. Bài thơ Việt Bắc được trích trong tập thơ Việt Bắc (1947 – 1954) của Tố Hữu. Bài thơ đã bộc lộ nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng (cũng chính là nhà thơ) đối với chiến khu Việt Bắc khi rời chiến khu về thủ đô Hà Nội.
Thân bài
Phân tích
Cái tôi hóa thân thành cái ta, hội tụ sức mạnh lớn lao của cả dân tộc. Đoạn thơ vẽ nên bức tranh lịch sử về cả một đội quân nhân dân rầm rầm ra trận được khắc họa hoành tráng trong mỗi câu thơ: Những đường Việt Bắc của ta … Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Những con đường Việt Bắc cụ thể, cũng là những nẻo đường cách mạng của dân tộc đã đến ngày rộng trải thênh thang. Con đường là hình ảnh quen thuộc trong thơ Tố Hữu biểu trưng về đường cách mạng. Khí thế hào hùng được thể hiện qua hàng hoạt các phụ âm rung, các từ láy như đêm đêm, rầm rập, điệp điệp, trùng trùng. Đoạn thơ gợi được không gian rộng lớn (Những đường Việt Bắc) và thời gian đằng đẵng (Đêm đêm) của cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kì.
Liên quan: Sơ đồ tư duy: Từ ấy
Câu thơ thứ hai mở ra một bối cảnh khác, đó là ngày kháng chiến chống Pháp, máy bay địch chủ yếu hoạt động ban ngày. Do đó ta phải hành quân đêm xưa là rừng núi là đêm (Tố Hữu). Trên các nẻo đường Việt Bắc đêm nối đêm cứ rầm rập tiến quân ra trận.
Khí thế xung trận được cảm nhận bằng âm thanh rầm rập – từ láy tượng thanh này không chỉ diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân mà còn giúp người đọc hình dung được nhịp độ khẩn trương, gấp gáp của một số lượng người đông đảo cùng hành quân về một hướng, tất cả tạo thành một sức mạnh tổng hợp là rung chuyển cả mặt đất.
Từ láy rầm rập là một từ tượng thanh rất gợi cảm. Nó diễn tả bước chân đi đầy khí thế hăng say và sức mạnh áp đảo của một tập thể người đông đúc có đội ngũ chỉnh tề. Với từ rầm rập đặc sắc ấy, cuộc ra trận của quân ta bỗng trở thành một cuộc duyệt binh, diễu binh hùng tráng:
Xuân hãy xem cuộc diễn binh hùng vĩ
Ba mươi mốt triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ.
Vì thế mà bước chân của đoàn quân ấy đêm đêm như làm rung chuyển cả mặt đất. Hình ảnh thơ mang đậm mầu sắc thần thoại. Trên con đường ấy, dường như cả nước cùng ra trận. Tất cả đã khắc họa đoàn quân đông đảo bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dâng trào, đợt này nối tiếp đợt kia tưởng chừng kéo dài đến vô tận.
Tuy trang bị vật chất còn thiếu thốn (chiến sĩ phải đội mũ nan đan bằng tre lợp vải) nhưng đoàn quân điệp điệp trùng trùng chính là hình ảnh tượng trưng cho sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến.
Đọc thêm: Sơ đồ tư duy :Việt Bắc chưa bao giờ đơn giản như vậy.
Trong những đêm dài hành quân chiến đấu ấy, ở đầu mũi súng của người lính ngời sáng ánh sao, đó là ánh sao sáng hiện thực trong đêm tối hay là một hình ảnh ẩn dụ: ánh sao của lí tưởng chỉ đường dẫn lối cho người chiến sĩ đánh đuổi kẻ thù bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan. Câu thơ vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa khái quát tượng trưng sâu xa. Trước hết nó diễn tả đoàn quân đi trong đêm, đầu súng lấp lánh ánh sao trời. Nhưng đó cũng là lấp lánh ánh sao lý tưởng.
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
(Vũ Cao)
Hình ảnh tươi sáng ấy kết hợp với hình ảnh chiếc mũ nan giản dị trang bị còn thiếu thốn của anh bộ đội, tạo cho anh một vẻ đẹp bình dị mà cao cả, bình thường mà vĩ đại. Nhà thơ Chính Hữu cùng đã có câu thơ rất hay Đầu súng trăng treo trong Đồng chí của Chính Hữu.
Đọc thêm: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ thứ ba bài Tây Tiến
Có điều nếu ánh trăng trong bài Đồng Chí là hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hòa bình, cho vẻ đẹp yên ấm của quê hương, thì ánh sao ở bài thơ này lại là biểu tượng của lí tưởng, của niềm lạc quan chiến thắng trong tâm hồn người lính ra trận. Khí thế mạnh mẽ của quân đội nhân dân được tác giả khắc họa bằng lối nói thậm xưng, phóng đại:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Những bó đuốc đỏ rực soi rọi đường đã làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn dân công tiếp lương tải đạn, kiên cường vượt núi cao đèo dốc đảm bảo sức mạnh vật chất cho bộ đội chiến đấu, chiến thắng. Thành ngữ có câu chân cứng đá mềm, Tố Hữu chuyển thành Bước chân nát đá – hình ảnh cường điệu ấy khẳng định ý chí phi thường, sức mạnh to lớn của nhân dân kháng chiến.
Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, là cuộc chiến tranh toàn nhân dân, nó phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa, vì thế ta nhất định thắng. Ở hai câu thơ này, tác giả sử dụng được nhiều hình ảnh giàu màu sắc tạo hình vừa chân thực, vừa bay bổng.
Đoàn dân công đi vào chiến dịch mà như thể đi trong đêm hội hoa đăng. Thật đẹp đẽ biết bao mà cũng tự hào biết bao về khí thế và niềm vui ra trận của quân ta. Thật sự Cách mạng là ngày hội của quần chúng (Mác).
Đọc thêm: Sơ đồ tư duy Chiếc thuyền ngoại xa ngắn gọn dễ hiểu
Cái tôi nhân danh Việt Bắc – trung tâm của kháng chiến, đầu não của cách mạng, trái tim của dân tộc với khí thế ra trận hào hùng sôi nổi; với niềm hãnh diện, tự hào, tin tưởng vào chiến thắng… Từ những đêm Việt Bắc đó, một cảm hứng lãng mạn bay bổng về tương lai tươi sáng của dân tộc chói lòa qua những câu thơ:
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Hai câu thơ tạo ra tương quan đối lập giữa bóng tối và ánh sáng: nếu câu trên khắc họa bóng đêm đen tối thăm thẳm gợi kiếp sống nô lệ của cả dân tộc dưới ách độ hộ của kẻ thù thì câu dưới lại bừng lên ánh sáng của niềm tin vào ngày mai chiến thắng huy hoàng, tương lai tốt đẹp.
Thực ra trong đoạn thơ trên người ta đều nhận thấy sự đối lập này. Tố Hữu đã sử dụng cả một hệ thống từ chỉ ánh sáng như ánh sao, đỏ đuốc, lửa bay, bật sáng tương phản với một hệ thống chỉ bóng tối như đêm đêm, nghìn đêm, thăm thẳm – với xu thế ánh sáng lấn át bóng tối dường như tác giả có dụng ý nêu bật xu thế của dân tộc ta trước mọi kẻ thù hắc ám, đồng thời khẳng định những ngày tươi sáng, hạnh phúc nhất định sẽ tới với dân tộc ta.
Qua không gian rộng lớn, thời gian đằng đẵng, khí thế hào hùng ở Việt Bắc có thể thấy rõ cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kì, gian khổ nhưng dân tộc Việt Nam không nhụt chí, trái lại vẫn vững vàng, kiên cường, chung sức chung lòng đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.
Và đây là một bản đồ vui tỏa rộng khắp đất nước báo tin chiến thắng:
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
Nhịp điệu dồn dập tươi vui, náo nức phấn khởi. Mỗi địa danh là một nốt nhạc vui rộn ràng trong bản hùng ca chiến thắng. Các địa danh không chỉ có ở Tây Bắc mà còn trải dọc trăm miền từ Nam Bộ, Tây Nguyên, cho tới Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên.
Những từ như vui, vui về, vui từ, vui lên mặc nhiên đã đặt Việt Bắc vào tâm điểm của mọi niềm vui. Từ Việt Bắc niềm vui tỏa đi. Và từ khắp nơi, tin vui bay lại Việt Bắc. Từ đó Tố Hữu mở ra một viễn cảnh mơ ước với bức tranh mang tên Ngày mai…
Nét chủ đạo trong bức tranh ấy là Việt Bắc sẽ nối liền với miền xuôi và miền ngược – nơi núi rừng hoang vu, heo hút. Tố Hữu cũng mơ ước về một Việt Bắc có giao thông thuận tiện, điện tới mọi nhà, khoáng sản quý được khai thác, phố phường, trường học đua nhau mọc lên, chợ phiên đày ắp hàng hóa của mọi miền đất nước… Những gì là mơ ước của một thời sẽ hiển hiện rạng rỡ giữa cuộc đời.
Đoạn thơ gợi nhớ về những kỷ niệm kháng hiến hào hùng với nhịp điệu nhanh, chắc gợi không khí khẩn trương sôi sục, cũng như những chiến thắng càng ngày càng lớn, càng ngày càng mạnh. Không khí kháng chiến vui tươi sôi sục, ào ạt của những đoàn ô tô chạy liên tiếp, trùng trùng ra trận, tiếng quân đi rung chuyển đất rừng.
Đây là hình ảnh khái quát biểu tượng cho cuộc hành quân mang tính lịch sử của dân tộc những năm kháng chiến chống Pháp lại được nhìn bằng đôi mắt thi sĩ lãng mạn, cảm quan lạc quan hướng về tương lai của người chiến sĩ.
Liên hệ
Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, ông đã sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng, chặng đường thơ ông song hành với gian đoạn của cuộc cách mạng. Con người trữ tình trong thơ ông tương ứng với cái đẹp của cuộc sống mới và phản ứng quyết liệt với những hành động xấu xa của quân thù.
Cái tôi cách mạng của Tố Hữu từ bài thơ Từ ấy đến Việt Bắc đã có sự chuyển biến. Cái tôi trữ tình của Thơ Tố Hữu trong tập Từ ấy‖ là cái tôi mang tính chất chính trị, mang tích chất thời đại.
Cái tôi trữ tình này được hình thành phát triển trong cuộc đấu tranh, trong mối tương với cuộc đời lớn cả dân tộc bởi cái tôi này không còn là cái tôi cô đơn bé nhỏ không có chỗ đứng trong cuộc sống dân tộc và thời đại, mà là cái tôi phong phú đa dạng, cái tôi gắn với mọi người với quá khứ hiện tại tương lai. Cái tôi đó lần đầu tiên đi vào cái ta chung của xã hội của cách mạng.
Đọc thêm: Phân tích hình ảnh người lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông đà”
Từ ấy được xem như bản tuyên ngôn về sự giác ngộ cách mạng, thơ ca cách mạng được xem như một tuyên ngôn cho sự ra đời của một kiểu nhà thơ mới: nhà thơ- chiến sĩ. Trong tập Từ ấy là một cuộc đấu tranh cách mạng trong nhà tù cho nên cái cốt cách tâm trạng của người chiến sĩ cộng sản cái tâm tình của nhân vật trữ tình là sự biểu hiện của tâm hồn và khát vọng của một kiểu con nguời mới trong thời đại mới. Bài thơ Từ ấy là cái tôi tự nguyện gắn bó với quần chúng lao khổ, với cuộc đời rộng lớn, với đất nước, nhân dân…
Trong quan niệm về lẽ sống, giai cấp tư sản và tiểu tư sản có phần đề cao chủ nghĩa cá nhân (Ta là một, là riêng là thứ nhất Không có ai bè bạn nổi cùng ta). Nhưng từ khi được giác ngộ lý tưởng, Tố Hữu tử nhủ:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Đại từ ―tôi‖ được điệp lại góp phần nhấn mạnh ý thức sâu sắc về mục đích và phong cách sống của nhà thơ. Tôi là cái tôi cá nhân; mọi người‖ là cái ta, cái chung mang tính cộng đồng, tính tập thể. Tác giả nói ―Tôi buộc lòng tôi với mọi người‖, ta có thể hiểu tôi ra lệnh bắt buộc lòng tôi phải đến với mọi người, hòa nhập cùng mọi người.
Nhưng ta cũng có thể hiểu là tôi tự trói buộc , ràng buộc lòng tôi với mọi người. Dù hiểu theo cách nào thì động từ, kết hợp với cách nói quá, nhà thơ đã khẳng định ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ muốn hòa nhập cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người.
Đó còn là cái tôi khát khao được cống hiến hết mình cho lí tưởng, thể hiện ý thức trách nhiệm của người chiến sĩ… Cái tình ở đây là tâm hồn của nhà thơ, là cái tôi cá nhân của nhà thơ.
Cái tôi ấy trang trải với muôn nơi. Nghĩa là cái tôi ấy không bó hẹp mà mở rộng ra cuộc đời với mọi người ở khắp muôn nơi. Nghệ thuật hoán dụ đã giúp Tố Hữu diễn tả sinh động sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với từng hoàn cảnh của từng con người cụ thể.
Là cái tôi nhận thức sâu sắc về sức mạnh của khối đoàn kết… Và không chỉ là sự đồng cảm chung chung mà tác giả đặc biệt quan tâm đến bao hồn khổ những con người cần lao
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Khối đời mà nhà thơ nói đến phải chăng là hình ảnh ẩn dụ cho một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết chặt chẽ để cùng phấn đấu cho môt mục đích chung. Qua hình ảnh thơ này, nhà thơ đã nhận thức sâu sắc rằng khi cái tôi chan hòa với cái ta, khi cá nhân hòa mình trong một tập thể cùng chung lý tưởng thì sức mạnh đó sẽ được nhân gấp bội. Như vậy, Tố Hữu đã đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ, để rồi ở đó .
Đến tập thơ Việt Bắc, nghệ thuật thơ Tố Hữu đã bước sang một giai đoạn mới hoà nhập vào bước đi của cuộc cách mạng, giai đoạn này thơ Tố Hữu được mở rộng cả về cảm hứng, lí tưởng, đối tượng miêu tả. Sự mở rộng không gian và thời gian tạo cho Việt Bắc một khuôn mặt nghệ thuật mới.
Tập thơ Việt Bắc đậm đà bản sắc dân tộc, có những câu thơ phản ánh sức mạnh của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến. Trong nghệ thuật miêu tả quan hệ xã hội mới Tố Hữu là người đầu tiên phát hiện ra tình quân dân được ví như tình cá nước đó là một nét đẹp trong truyền thống của ta.
Có thể nói, lí tưởng cách mạng từ Từ ấy đến Việt Bắc đã được nâng lên một bước. Cuộc kháng chiến càng lớn bao nhiêu thì lí tưởng càng đẹp đẽ, rạng rỡ bấy nhiêu.
Đọc thêm: Sơ Đồ Tư Duy: Người Lái Đò Sông Đà (Trích): Hóa Dài Thành Ngắn
Cho đến thời kì này, hầu như tất cả mọi người không chỉ được giác ngộ cách mạng mà đã biết đi theo con đường cách mạng. Từ em bé Lượm đến các anh vệ quốc, anh cán bộ…đều chung một lí tưởng và gặp nhau trên đường ra mặt trận.
Hình ảnh chú bé liên lạc Lượm ở đây không những mang trong mình một lí tưởng cách mạng mà hình ảnh em cũng là lí tưởng, cái lí tưởng ấy là tiêu biểu cho những em bé liên lạc của Việt Nam hồi kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu của cái vui tươi, hồn nhiên và dũng cảm.
Qua đây ta thấy, lúc đầu lí tưởng cộng sản đến với Tố Hữu giống như một luồng ánh sáng mãnh liệt và mới lạ. Trong tâm hồn sôi nổi của nhà thơ trẻ, nó trở thành một năng lượng thẩm mỹ tự phát sóng, tự toả hương ra thế giới bên ngoài.
Và đặc sắc chủ yếu trong thời kì Từ ấy không phải là những khám phá phong phú về đời sống hiện thực mà là sự biểu hiện một cách chân thực cái tôi hết sức trong sáng, hồn nhiên của một thanh niên khao khát lí tưởng, tự ca hát niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lí tưởng cộng sản và chiến đấu hy sinh cho lí tưởng ấy. Nhưng cho đến Việt Bắc thì lí tưởng không phải là đối tượng miêu tả trực tiếp. Nó được vận dụng như là một quan điểm tiếp cận, đánh giá và khái quát hiện thực (Nguyễn Đăng Mạnh).
Có thể nói, lí tưởng thời kì này đã biến thành đời sống hàng ngày mà quần chúng đã thực hiện, đã sống với lí tưởng đó một cách bình dị:
Cái đẹp của lí tưởng, của ước mơ đã biến thành cái đẹp của quần chúng kháng chiến, cái đẹp của con người và quần chúng thực (Trần Đình Sử).
Kết bài
Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu là bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Cảm hứng lãng mạn chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lý tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Tất cả đã hội tụ trong Việt Bắc góp phần xây dựng hình tượng đất nước, con người Việt Nam vươn lên trong thử thách để có được ngày chiến thắng. Đó là kết quả của quá trình trải nghiệm trong thực tế sống, chiến đấu và gắn bó với cách mạng của người chiến sĩ.
Originally posted 2019-03-09 15:49:54.
Để lại một phản hồi