Đề bài: Liên hệ Sóng và Vội Vàng để thấy khát vọng sóng và khát vọng tình yêu
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
…
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB GD)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó liên hệ với khổ thơ cuối bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu để nhận xét về khát vọng sống và khát vọng tình yêu của hai nhà thơ.
Liên quan: Sơ đồ tư duy: Sóng, bức thư tình thầm lặng
Đặt vấn đề
Nhà thơ Xuân Quỳnh quê ở Hà Đông một vùng dệt lụa the nổi tiếng. Xuân Quỳnh sớm mồ côi mẹ và chủ yếu sống với bà, lớn lên ở Hà Nội. Năm 13 tuổi, Xuân Quỳnh trở thành một nữ diễn viên múa xinh đẹp, đã từng đi nhiều nước biểu diễn. Cuộc sống thời chiến tranh dù còn nhiều gian lao vất vả nhưng Xuân Quỳnh vẫn vượt qua bằng sự khéo léo để được sống trọn vẹn với thơ. Năm 1963 Xuân Quỳnh chuyển hẳn sang viết báo, làm văn bởi với Xuân Quỳnh:
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa
Cuộc sống trở về bình yên
Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm
Không nỗi khổ không niềm vui kinh ngạc
Sóng là một bài thơ tình yêu rất đằm thắm của Xuân Quỳnh, lời tự hát tình yêu chân thật, nồng nàn. Bài thơ Sóng được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967, tại bãi biển Diêm Điền, in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Sóng là một trong những bài thơ tình yêu hay nhất của Xuân Quỳnh.
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, văn học thời đại thường âm vang cảm hứng anh hùng ca, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, thì Sóng dường như chỉ nói về tình yêu thuần túy, đời thường. Nhưng vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tâm hồn tình yêu của ng con gái thể hiện trong bài thơ đẹp như một bông hoa dọc chiến hào.
Liên quan: Vội vàng (phần 1): Sơ đồ tư duy chi tiết
Giải quyết vấn đề
Phân tích
Sự lo âu về phai tàn, đổ vỡ trong tình yêu
Sóng với Xuân Quỳnh không chỉ là biểu tượng của khát vọng tình yêu mà còn là phương tiện để bà bộc lộ những suy tư về cuộc sống, tình cảm:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở
Sóng muốn về với bờ sóng phải vượt qua giông tố, bão bùn. Em muốn hướng về anh em phải vượt qua những cạm bẫy cuộc đời. Tình yêu gắn liền với đời thường mà cuộc đời là dâu bể đa đoan. Tất cả những thử thách gian nan đang chờ trước mặt và là điều không thể thiếu đối với tình yêu:
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ
(Thơ tình cuối mùa thu)
Trải qua không gian, thời gian, cuối cùng sóng vẫn về tới bờ và em cũng lại bên anh. Tình yêu trải qua thử thách là tình yêu đẹp, cao cả nhưng dù có cao đẹp đến đâu cũng rất mong manh trước thời gian vô thủy vô chung.
Đọc thêm: Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên.
Nguyễn Minh Châu đã có lần ví von như cái sợi chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh. Và nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn còn sợ cái sợi chỉ mong manh ấy sẽ đứt, sẽ không còn nữa.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Một thoáng lo âu của nhà thơ khi ý thức được cái ngắn ngủi của cuộc đời. Một sự lo âu rất chính đáng bởi nhà thơ đã ý thức được cái mong manh của tình yêu:
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa rồi
(Nói cùng anh)
Ở đây dường như Xuân Quỳnh và Xuân Diệu có sự đồng điệu với nhau trong quan điểm:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Cả hai nhà thơ đều nhận thấy sự hữu hạn và tiếc cho cuộc đời ngắn ngủi. Nhưng điểm khác biệt là Xuân Quỳnh tiếc cho đời người còn Xuân Diệu tiếc cho tuổi trẻ. Con người mang khát vọng lớn lao thì không bao giờ bằng lòng với giới hạn đó.
Liên quan: Phân tích sức sống tiềm tàng của Mị trong Vợ Chồng A Phủ
Sự rạo rực, xôn xao khát khao đến khắc khoải
Cuộc đời tuy dài nhưng không phải vô cùng, như biển lớn mênh mông nhưng không phải vô tận. Xuân Quỳnh rất nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian, ý thức về thời gian gắn với nỗi âu lo, dù vậy, nhân vật trữ tình trong thơ đã có cách ứng xử tích cực: âu lo nhưng không mấy thất vọng, mà chỉ khao khát nắm lấy hạnh phúc trong hiện tại, sống hết mình, mãnh liệt với tình yêu để vượt qua và chiến thắng sự hữu hạn của thời gian và đời người.
Khát vọng sống hết mình với tình yêu được Xuân Quỳnh diễn tả một cách giản dị. Thi sĩ ước muốn:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Tan ra để hòa vào biển lớn của tình yêu, biển lớn của hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi với Xuân Quỳnh, cách để sống mãi là sống với tình yêu của mình. Ước muốn ấy của thi sĩ vừa dịu dàng, đôn hậu, vừa nồng nàn thiết tha. Bài thơ khép lại nhưng hai cặp hình tượng sóng – bờ, em – anh vẫn đan cài vào nhau, ngời sáng một vẻ đẹp vĩnh hằng của tình yêu.
Tình yêu đó là vĩnh cửu là bất tử với thời gian và nó càng đẹp hơn vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi tình yêu ấy không chỉ là tình cảm riêng tư mà hòa vào tình yêu chung của nhân loại. Xuân Quỳnh cũng thế, chị mong ước tình yêu của mình hòa vào tình yêu chung, tình yêu lớn của cuộc đời.
Đọc thêm: Phân tích 13 câu đầu bài vội vàng đặc sắc nhất
So với thơ lãng mạn trước cách mạng thì gương mặt tình yêu trong thơ thời đại mới dù riêng tư nhưng không cô đơn, lẻ loi, lạc lõng với cộng đồng mà tình cảm riên chung hài hòa tạo cho con người thời đại hôm nay có dáng dấp khác hẳn.
Bình Luận
Hai đoạn thơ đều bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, những suy ngẫm trước cuộc đời. Đây là hai đoạn thơ có sự kết hợp giữa cảm xúc – triết lí. Hình tượng sóng là một ẩn dụ độc đáo, khiến lời thơ vừa thực, vừa lãng mạn. Thể thơ tự do năm chữ ngắt nhịp linh họat và chủ yếu không ngắt nhịp, tạo âm hưởng thơ dạt dào, vừa gợi âm hưởng của sóng, vừa diễn tả tinh tế khát vọng tình yêu nồng nàn. Kết cấu song hành giữa hình tượng sóng và em tạo thành chiều sâu nhận thức và nét độc đáo của bài thơ.
Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết về tình yêu rất nhiều và hay, điều làm nên
sức sống mãnh liệt của thơ Xuân Quỳnh có lẽ là tính chân thực và niềm đam mê
gửi gắm trong những lời thơ giản dị mà vô cùng sâu lắng.
Thơ Xuân Quỳnh giản dị nhưng không bao giờ cũ vì nó cũng có triết lí, thứ triết lí của thi ca, thứ triết lí đôn hậu của một ng phụ nữ làm thơ. Xuân Quỳnh nói chuyện tình yêu, chuyện cái chết, chuyện được mất một cách rất giản dị mà lại đi vào lòng người.
Trong Vội vàng, thi nhân đã thức nhọn giác quan để sống toàn tâm, toàn ý, sống toàn hồn mà say, thâu, hôn, cắn cho kỳ hết những hương nồng của tuổi trẻ?
Ta muốn ôm!
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
…
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
Ba chữ Ta muốn ôm như phơi bày ra hết sự ham hố và cuồng nhiệt của Xuân Diệu với cuộc sống trần thế. Nếu như mở đầu bài thơ, nhà thơ xưng tôi với ước muốn táo bạo tắt nắng buộc gió, thì ở đoạn cuối này cái tôi đó đã hào vào cái ta chung để tận hưởng hết những hương sắc của cuộc đời.
Đọc thêm: Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông ngắn gọn hay nhất
Ngay sau đó là câu thơ thể hiện sự tươi non của cả cuộc sống mới bắt đầu mơn mởn. Từ láy mơn mởn được nhà thơ dùng rất gợi cảm và giàu ý nghĩa. Nó cho ta thấy các sự vật, cây cối đang ở độ non mướt, tươi tốt, đầy sức sống khiến cho thi nhân tràn lên khao khát.
Điệp ngữ ta muốn được lặp đi lặp lại như một nhịp điệu hối hả, như hơi thở gấp gáp của thi nhân. Chứng tỏ Xuân Diệu đang nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt như muốn cùng một lúc giang tay ôm hết cả vũ trụ cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Đồng thời nó còn nói lên được cái ham muốn khát thèm đến hăm hở, cuồng nhiệt của nhà thơ.
Mỗi một lần khao khát ta muốn là một lần kết hợp với một động từ chỉ trạng thái yêu thương mỗi lúc một mạnh mẽ, nồng nàn hơn ôm- sự sống, riết- mây đưa, gió lượn, say- cánh bướm, tình yêu, thâu- cái hôn nhiều, để cuối cùng là một tiếng kêu của sự cuồng nhiệt, đắm say, thể hiện niềm yêu đời, khát sống chưa từng có trong thơ ca Việt Nam: Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
Thi nhân muốn ôm hết vào lòng mình mây đưa và gió lượn, muốn say đắm với cành bướm tình yêu, muốn gom hết vào lồng ngực trẻ trung ấy một cái hôn nhiều. Muốn thu hết vào hồn nhựa sống dạt dào và non nước và cây và cỏ rạng. Để rồi nhà thơ như con ong bay đi hút nhụy đời cho đến say chếnh choáng hút cho đã đầy ánh sáng, cho no nê thanh sắc của thời tươi mới lảo đảo bay đi.
Không chỉ nằm ở phong cách thơ (Xuân Diệu sôi nổi, mãnh liệt đầy nam tính, xuân Quỳnh thủ thỉ, tâm tình đầy nữ tính) mà còn trong cách ứng xử của mỗi nhà thơ: trước sự chảy trôi của thời gian.
Đọc thêm: Sơ Đồ Tư Duy: Người Lái Đò Sông Đà (Trích): Hóa Dài Thành Ngắn
Xuân Diệu thể hiện cái tôi ham sống, muốn tận hưởng cuộc đời mãnh liệt. Như một tuyên ngôn của lòng mình, nhà thơ tự xác định một thái độ sống gấp, tận hưởng vì cảm nhận cái hữu hạn của cuộc đời (Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm); ý thức chiếm lĩnh, tận hưởng cuộc sống ở mức độ cao nhất (chếnh choáng, đã đầy, no nê) những gì tươi đẹp nhất (mùi thơm, ánh sáng, thời tươi).
Còn Xuân Quỳnh lại thể hiện ước mong được tan hòa cái tôi nhỏ bé – con sóng cá thể, thành cái ta chung rộng lớn – trăm con sóng giữa biển cả mênh mông. Những câu thơ có tính chất tự nhủ mình gợi cách sống, tình yêu mãnh liệt, hết mình: mong muốn được tan hòa vào tình yêu lớn lao của cuộc đời. Đó là cách để tình yêu trở thành bất tử.
Tác giả Xuân Diệu sử dụng các yếu tố nghệ thuật như điệp từ, điệp cấu trúc câu, động từ mạnh… góp phần thể hiện cái hối hả, gấp gáp, cuống quýt của tâm trạng, khiến nhịp điệu đoạn thơ sôi nổi, cuồng nhiệt. Bài thơ Sóng sử đụng thể thơ năm chữ với hình tượng sóng vừa ẩn dụ vừa giàu tính thẩm mỹ khiến đoạn thơ sâu sắc, giàu nữ tính.
Đọc thêm: Review Vượt ải văn học thách thức 8+
Kết thúc vấn đề
Là một tình cảm nhân bản, các cảm xúc tình yêu: âu lo, nỗi nhớ, khát khao, say mê, thường mang tính phổ quát, nhưng do tâm tính, kinh nghiệm sống và vốn văn hóa, mỗi nhà thơ sẽ có cách thể hiện khác nhau. Cái riêng của Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng liên quan đến cái nhìn nữ tính của nhà thơ: giàu trực cảm và ưa bộc bạch, nữ tính nhưng vẫn chủ động, tự tin của người phụ nữ hiện đại, nên nhân vật trữ tình trong thơ nồng nàn mà ý nhị, sôi nổi mà đằm thắm.
Liên hệ Sóng và Vội Vàng bản quyền thuộc về hocvan12
Originally posted 2019-03-09 16:09:40.
Để lại một phản hồi