Bộ đề thi thpt quốc gia môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023: Kì thi THPT Quốc Gia đã đến gần hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn nước rút này thì cách ôn tập tốt nhất đó chính là luyện đề. Tham khảo một số đề thi chuẩn với cấu trúc ra đề của bộ là một phương pháp vô cùng hữu hiệu. Vậy nên Hocvan12 muốn gửi đến cho các em Bộ đề thi thpt ngữ văn môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023.
Xem thêm: Đề thi THPT môn Văn theo hướng mới
Đề thi THPT môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023 có đáp án.
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
“Những người dễ thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực cũng chính là những người biết chấp nhận cuộc sống của bản thân. Mỗi người chúng ta đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng, bởi vậy khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta không chỉ thấy “khoảng cách” giữa mọi người mà còn thấy được “sự khác biệt” trong mỗi người.
Tự bản thân nghĩ như thế nào về mình được gọi là “tự đánh giá bản thân”. Khi một người đánh giá thấp bản thân, anh ta sẽ tự giày vò bản thân bởi cảm giác tự ti, chán ghét chính mình và chỉ nhìn mọi chuyện theo hướng tiêu cực. Cũng có nhiều trường hợp so sánh điểm mạnh của người khác với điểm yếu của bản thân, sau đó tự giam mình trong cảm giác tự ti, mặc cảm.
Ngược lại, nếu một người biết đánh giá bản thân phù hợp, dù gặp thất bại thì người đó vẫn tiếp tục hi vọng vào lần sau, tiếp thu lần thất bại này và học hỏi kinh nghiệm trong đó.
Tôi có một người quen. Anh là một người rất giỏi, học đại học Tokyo. Thời đại học, anh đi làm người mẫu. Nhìn bề ngoài, anh hoàn hảo đến mức mọi người phải ghen tị, nhưng thực ra anh ấy lại tự đánh giá thấp bản thân. Ngay từ nhỏ, anh ấy thường bị bố mẹ so sánh với người khác: “Con vẫn đang thua bạn đấy, cố gắng lên”. Anh ấy luôn nghĩ, dù ở đâu, lĩnh vực gì, bản thân cũng chỉ là kẻ nửa vời mà thôi: “Dù vào được đại học Tokyo thì vẫn có nhiều người giỏi hơn, trong giới người mẫu vẫn có rất nhiều người hơn mình”. […]
Trong khi đó, anh Hirotada Ototake, tác giả của cuốn sách Không ai hoàn hảo, dù sinh ra với cơ thể không lành lặn, khuyết thiếu cả hai chân hai tay, nhưng anh vẫn hoạt động rất tích cực với vai trò nhà báo thể thao. Anh đã kết hôn và sống rất hạnh phúc.[…]
Chính vì vậy, việc tự đánh giá bản thân ở mức thích hợp là điều rất quan trọng”
(Trích “Mình là cá, việc của mình là bơi”, Takeshi Purukawa, NXB Thế giới)
Câu 1: Theo tác giả, việc tự đánh giá thấp bản thân sẽ gây ra hậu quả gì? (0,5 điểm)
Câu 2: Anh/chị hiểu thế nào về câu nói “khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta không chỉ thấy “khoảng cách” giữa mọi người mà còn thấy được “sự khác biệt” trong mỗi người”? (1,0 điểm)
Câu 3: Theo anh/chị thế nào là “biết đánh giá bản thân phù hợp”? (0,5 điểm)
Câu 4: Anh/chị có cho rằng việc chấp nhận những khuyết điểm của bản thân, coi nó là đặc trưng cho con người mình sẽ khiến chúng trở nên tự mãn hay không? Vì sao? (1,0 điểm)
Phần II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến “việc tự đánh giá bản thân ở mức thích hợp là điều rất quan trọng”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã 2 lần miêu tả sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng trong nhân vật Mị. Trong đêm tình mùa xuân: “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mi quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.” và trong đêm đông: “Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây cởi trói cho A Phủ…. Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc”.
Anh/chị hãy phân tích diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự khác biệt cơ bản trong hai lần sức sống tiềm tàng trỗi dậy ấy
Hướng Dẫn Làm Bài
Phần I: Đọc Hiểu
Câu 1: Theo tác giả, việc tự đánh giá thấp bản thân sẽ khiến cho con người luôn tự giày vò bản thân bởi mặc cảm tự ti, chán ghét chính mình và nhìn mọi chuyện một cách tiêu cực.
Câu 2: Giải thích ý nghĩa của câu nói: Khi so sánh bản thân với người khác, không phải chỉ tạo sự xa cách, phân biệt về giá trị, vị trí, gây nên sự khó hòa hợp giữa mọi người. Quan trọng hơn, so sánh bản thân với người khác còn giúp chúng ta nhìn nhận được những điểm riêng biệt, độc đáo, đặc trưng của bản thân mình mà không giống với bất kì ai.
Câu 3: Biết đánh giá bản thân một cách phù hợp nghĩa là nhìn nhận một cách thẳng thắn, trung thực những ưu điểm và hạn chế của bản thân. Không đánh giá quá cao bản thân mình nhưng cũng không tự hạ thấp bản thân.
Câu 4:
Các em thể hiện quan điểm và cách lí giải hợp lí. Có thể theo hướng sau:
– Các em đưa ra ý kiến của bản thân: có thể đồng tình, hoặc không.
– Nếu đồng tình cần lí giải: Việc chấp nhận những khuyết điểm của bản thân, coi đó là đặc trưng của bản thân đôi khi khiến con người bằng lòng, tự thỏa hiệp với những gì mình có, không có ý thức vươn lên, không có ý thức sửa đổi, hoàn thiện mình.
– Nếu không đồng tình cần lí giải: vì việc chấp nhận những khuyết điểm của bản thân, coi nó là đặc trưng của con người mình khiến cho con người cảm thấy vui vẻ, thoải mái với chính mình, xóa đi mặc cảm tự ti và là động lực để con người có ý thức khẳng định mình ở những phương diện khác.
Phần II: Làm Văn
Câu 1:
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn. |
Đoạn văn có thể được trình bày theo cách quy nạp, diễn dịch, móc xích, song hành hoặc tổng – phân – hợp. |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. |
Ý nghĩa của việc tự đánh giá bản thân ở mức thích hợp. |
c. Triển khai vấn đề nghị luận, vận dụng tốt các thao tác lập luận làm sáng tỏ vấn đề. |
Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, miễn là hợp lí, thuyết phục. Có thể theo hướng sau: – Giải thích: Tự đánh giá bản thân ở mức thích hợp là việc mỗi người tự nhìn nhận và đánh giá một cách thẳng thắn và trung thực những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân. Không quá đề cao bản thân nhưng cũng không tự đánh giá mình quá thấp. – Bình luận: Việc tự đánh giá bản thân ở mức thích hợp là một điều rất quan trọng. Vì: + Nó giúp mỗi người phát huy được năng lực, sở trường và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, ngày càng tự hoàn thiện mình. + Giúp chúng ta có một tâm lí thoải mái, vui vẻ, hài lòng với cuộc sống của mình, tránh tự ti, mặc cảm. + Giúp chúng ta có một cái nhìn tích cực về mọi vấn đề trong cuộc sống: chấp nhận sự khác biệt của mình và những người khác, nhìn thấy giá trị riêng của mỗi người; nhìn thấy hi vọng trong thất bại… – Chứng minh: Thí sinh lấy dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề đang bàn luận. – Mở rộng: phê phán những người tự đánh giá thấp bản thân mình. Tự đánh giá bản thân một cách phù hợp không đồng nghĩa với việc kiêu căng, tự mãn về chính mình. – Bài học nhận thức và hành động: Mỗi chúng ta nên biết chấp nhận toàn bộ con người mình. Có ý thức và hành động phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để hoàn thiện bản thân. |
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu. |
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
e. Sáng tạo |
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
Câu 2:
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận. |
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. |
Phân tích được diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm đông cởi trói cho A Phủ; chỉ ra được điểm khác biệt trong hai lần sức sống tiềm tàng trỗi dậy. |
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: |
* Giới thiệu về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và khái quát ngắn gọn về nhân vật Mị. |
* Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: – Hoàn cảnh: + Khung cảnh đất trời Hồng Ngài vào xuân và không khí ngày Tết đã phần nào tác động vào tâm hồn Mị. + Đặc biệt là sự xuất hiện của tiếng sáo gọi bạn tình và men rượu đã dần dần làm hồi sinh tâm hồn của Mị. – Diễn biến tâm lí và hành động: + Tiếng sáo được miêu tả ban đầu là tác nhân bên ngoài, giờ đã thâm nhập vào bên trong tâm hồn của Mị, nó đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn những khát khao của tuổi thanh xuân: Mị muốn đi chơi. + Từ ý muốn đến hành động diễn ra vô cùng nhanh chóng. Với những vế câu ngắn, nhịp văn nhanh, dồn dập nhà văn Tô Hoài đã khắc họa nội tâm đầy rạo rực, đắm say, sự trỗi dậy mạnh mẽ của khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc đang diễn ra trong Mị. + Tuy nhiên, khát vọng đi chơi của Mị nhanh chóng bị dập tắt bởi sợi dây trói nghiệt ngã của A Phủ. |
* Phân tích nhân vật Mị trong đêm đông cởi trói cho A Phủ: – Hoàn cảnh: + Mỗi đêm đông, Mị đều ngồi dậy thổi lửa hơ tay và thờ ơ trước A Phủ – kẻ đang bị trói đứng vì làm mất một con bò của nhà thống lí. + Nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị nhớ lại cảnh mình bị A Sử trói đứng trong đêm tình mùa xuân năm trước à nỗi thương mình trào lên trong Mị. – Diễn biến tâm lí và hành động: + Đồng cảm với những người cùng chung cảnh ngộ, Mị nhận thức tội ác của cha con thông lí và thương xót cho A Phủ –> chiến thắng nỗi sợ hãi, Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ đồng thời cũng là cắt sợi dây trói giải thoát cho mình khỏi cường quyền. Hành động được miêu tả ngắn gọn, nhanh chóng và dứt khoát. + Đứng lại một mình, nỗi sợ hãi cái chết mới thực sự bủa vây cũng là lúc lòng ham sống bùng lên mạnh mẽ nhất à Mị đã chạy theo A Phủ, giải thoát cho cuộc đời của chính mình. Hành động được miêu tả mạnh mẽ, quyết liệt. |
* Nhận xét về sự khác biệt trong hai lần sức sống tiềm tàng trỗi dậy: – Lần thứ nhất: với hành động chuẩn bị đi chơi xuân, bản thân Mị chỉ định giải thoát cho mình trong chốc lát –> Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của khát khao tình yêu, khát vọng hạnh phúc. Và sự trỗi dậy trong chốc lát đó không làm thay đổi được số phận của Mị. – Ở lần thứ 2, với hành động cắt dây cởi trói cho A Phủ và chạy theo anh, Mị đã giải thoát hoàn toàn cuộc đời mình khỏi sự ràng buộc của cả thần quyền và cường quyền –> Đó là sự trỗi dậy một cách quyết liệt của khát vọng sống, khát vọng tự do, từ đó tạo nên một bước ngoặt, một sự thay đổi lớn lao cho cuộc đời của Mị. – Miêu tả diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân và trong đêm đông cởi trói cho A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã khẳng định sức sống tiềm tàng, kì diệu trong mỗi con người lao động nghèo khổ miền núi, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào khả năng đổi đời của họ; qua đó cũng thể hiện tài năng miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy của tác giả. |
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu. |
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. |
e. Sáng tạo |
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
Xem thêm: Các dạng đề bài theo hướng mới năm 2023: Đề thi THPT môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023
Đề thi thử thpt quốc gia 2019 môn văn của bộ
PHẦN I: ĐỌC HIỂU: 3.0 điểm: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.”
(Tuổi trẻ.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)
Câu 1( NB). Chỉ ra những biểu hiện của người bản lĩnh được nêu trong văn bản? (0,5 điểm)
Trả lời : biểu hiện của người bản lĩnh được nêu trong văn bản là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.
Câu 2 (TH). Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào?(1,0 điểm)
Trả lời : Để có bản lĩnh sống cần:
+ Trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng
+ Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
+ Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực
+ Dám đương đầu với mọi thử thách để đạt được điều mong muốn.
Câu 3. (TH)Tại sao tác giả cho rằng “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”.( 1,0 điểm)
Trả lời: Sở dĩ tác giả cho rằng bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh bởi vì khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh tốt.
Câu 4 ( VD). Tác giả viết rằng:
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.”
còn anh/chị thì sao? Anh, chị sẽ làm gì để rèn luyện cho mình có được bản lĩnh? Hãy viết đoạn văn (khoảng 7 đến 10 dòng) trình bày suy nghĩ của mình.
Trả lời: Thí sinh viết được đoạn văn trình bày được suy nghĩ và việc làm của cá nhân. (Khuyến khích những đoạn sáng tạo có suy nghĩ tích cực).
LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.
Hướng dẫn làm bài
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Bản lĩnh có vai trò quan trọng đối với mỗi con người, có thể quyết định tương lai của mỗi người.
Triển khai vấn đề nghị luận:
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghi luâṇ theo nhiều cách nhưng có thể theo hướng sau:
* Giải thích:
– Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.
* Bàn luận:
– Ý kiến đúng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống,từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.
– Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được những điều cần làm.
– Phê phán những người sống thiếu bản lĩnh, họ bị lệ thuộc vào suy nghĩ và chính kiến của người khác…
* Bài học:
– Ý thức được bản thân cần có bản lĩnh trong cuộc sống và rút ra bài học hành động phù hợp cho bản thân. Lỗi lầm là những sai lầm, tội lỗi con người mắc phải và để lại những hậu quả đáng tiếc cho mình và mọi người.
Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2: (5.0 điểm)
“Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”
(Trích “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh)
Anh/Chị hãy phân tích đoạn văn trên để làm rõ ý kiến: “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh là áng văn mẫu mực của văn xuôi chính luận Việt Nam”.
Hướng dẫn làm bài
Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm).
Xác định đúng vấn đề nghị luận: (0.5 điểm).
Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận. (0.5 điểm).
– Giải thích ý kiến:
+ “Tuyên ngôn Độc lập” xứng đáng là một áng văn mẫu mực của văn xuôi chính luận Việt Nam vì, tác phẩm này Người đã đưa ra những lý lẽ sắc sảo và đanh thép.
+ Tính chất mẫu mực của áng văn xuôi chính luận còn được biểu hiện ở hệ thống lập luận chặt chẽ và khoa học.
– Phân tích trình tự lập luận:
+ Mở đầu bản tuyên ngôn, tác giả Hồ Chí Minh đã trích dẫn những lời bất hủ về quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ để từ cơ sở đó tác giả đã “suy rộng ra” quyền dân tộc.
+ Tiếp theo là lời trích dẫn từ tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791 để chốt lại bằng một khẳng định đanh thép: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
– Hiệu quả lập luận của những lời trích dẫn:
+ Khi mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam bằng việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, tác giả Hồ Chí Minh đã tạo ra một vị thế ngang hàng giữa cuộc cách mạng tháng 8-1945 của Việt Nam với những cuộc cách mạng vĩ đại khác của thế giới như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Mỹ năm 1776, cuộc cách mạng tư sản của Pháp năm 1789.
+ Tác giả còn kín đáo thể hiện niềm tự hào dân tộc khi cách mạng Việt Nam đã cùng một lúc thực hiện nhiệm vụ của cả 2 cuộc cách mạng:
“Đánh đổ các xiềng xích thực dân hàng trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập” (chiến tranh giải phóng dân tộc của Mỹ)
“Đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa” (nhiệm vụ dân chủ của cách mạng tư sản Pháp).
→ Đây cũng là cách làm sáng tỏ tính chất hợp quy luật của cách mạng Việt Nam trong xu thế chung của cách mạng thế giới, cũng là cách để nâng cao vị thế, tầm vóc của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
+ Lấy phần trích dẫn này làm tiền đề triển khai các lập luận, lý lẽ trong bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, tác giả đã khiến cho những luận điểm đúng đắn trong hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ vốn được thế giới thừa nhận như những chân lý lớn của nhân loại đã trở thành cơ sở pháp lý vững vàng, mang tầm vóc quốc tế cho lời tuyên bố độc lập của dân tộc Việt Nam.
+ Việc trích dẫn cũng thể hiện một nghệ thuật lập luận vừa khéo léo, vừa sắc sảo, kiên quyết của người viết:
Khéo léo vì thái độ trân trọng với những cuộc cách mạng vĩ đại của 2 quốc gia Pháp và Mỹ khi đặt lời tuyên bố bất hủ của tổ tiên họ vào phần mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Khéo léo còn vì hàm ý khẳng định: Việt Nam sẵn sàng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và thành quả cách mạng vĩ đại của nhân loại, Cách mạng Việt Nam xứng đáng được nhận sự đống tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Việc trích dẫn cũng tỏ ra kiên quyết sắc sảo khi cảnh cáo thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: họ không thể phản bội lý tưởng cao quý của chính tổ tiên mình, không thể chà đạp lên lá cờ Tự do – Bình đẳng – Bác ái mà tổ tiên họ từng giương cao.
Lời khẳng định sau khi trích dẫn: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” là cách lập luận “vừa khôn khéo, vừa kiên quyết” của Hồ Chí Minh, là thủ pháp “lấy gậy ông đập lưng ông” rất mạnh mẽ, đích đáng.
– Hiệu quả của những lời luận bàn, mở rộng nâng cao:
+ Sự “suy rộng ra” từ quyền con người tới quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới đã thể hiện tư duy lý luận sáng tạo của Đảng, của Hồ Chí Minh. Nhờ đó, lời tuyên bố độc lập của Việt Nam trở thành chân lý của mọi thời đại.
+ Đó cũng là đóng góp lớn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới – một dòng thác cách mạng sẽ phát triển mạnh mẽ vào nửa sau thế kỷ XX.
→ Khẳng định: “Tuyên ngôn Độc lập” của Người là áng văn mẫu mực của văn xuôi chính luận Việt Nam” là ý kiến hoàn toàn xác đáng.
* Đánh giá chung vấn đề nghị luận (0.25 điểm).
Sáng tạo: (0.25 điểm).
Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)
Đọc thêm: Dàn ý so sánh hai chi tiết trong cùng một tác phẩm
Đề thi thử thpt quốc gia môn văn năm 2023
ĐỌC HIỂU (3.0 điểm): Đọc đoạn trích dưới đây:
Stephen Hawking (1942 – 2023) là nhà vật lý thiên tài người Anh, người dành cả cuộc đời để giải mã các bí ẩn của vũ trụ. Tờ Guardian gọi Stephen Hawking là “Ngôi sao sáng nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại”. Ông là tác giả của cuốn “A Brief History of Time” (Lược sử thời gian), một trong những cuốn sách phổ thông về khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Đối lập với cơ thể tật nguyền là một sức mạnh trí tuệ tuyệt vời của Hawking, cơ thể ông là hệ quả của căn bệnh thoái hóa thần kinh vận động (ALS) đã đày đọa nhà vật lý học thiên tài từ lúc ông mới 21 tuổi. Và từ đó đến khi qua đời ở tuổi 76, gần như toàn bộ cuộc đời của Hawking gắn với chiếc xe lăn. Khi được hỏi về căn bệnh ALS có ảnh hưởng đến bản thân như thế nào, Hawking đã trả lời: “không nhiều lắm, tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể, không nghĩ về tình trạng của mình, không hối hận về những gì mình không thể làm, mà cũng không nhiều điều tệ lắm diễn ra”.
Hawking có niềm say mê với ngành khoa học vũ trụ, dù ông phải vật lộn với căn bệnh quái ác. Bên trong thân thể gần như bất động là một bộ não sắc bén và tò mò trước bản chất của vũ trụ, cách nó hình thành cũng như số phận mà nó đi đến. Hawking có lẽ không phải là nhà vật lý vĩ đại nhất trong thời đại của ông, nhưng trong vũ trụ học ông lại là một nhân vật khổng lồ của thế kỷ XX. Không có đại diện hoàn hảo cho giá trị khoa học, nhưng Hawking đã giành được giải thưởng Albert Einstein, giải Wolf, huy chương Copley, giải thưởng Vật lý…
(Theo Dân Trí)
Câu 1. Stephen Hawking đã nói như thế nào về bệnh tật của ông?
Câu 2. Qua câu trả lời về bệnh ALS, anh/chị nhận thấy được điều gì ở con người Stephen Hawking?
Câu 3. Anh/Chị suy nghĩ gì về những giải thưởng mà Stephen Hawking nhận được?
Câu 4. Hãy cho biết thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ cuộc đời của Stephen Hawking.
LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của nghị lực và niềm đam mê trong cuộc sống.
Câu 2
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân luôn thay đổi góc nhìn khi tái hiện hình ảnh con sông Đà:
(1) Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
(…)
(2) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.
(Trích – Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.186-191)
Từ hai góc nhìn trên, anh/chị liên tưởng đến vẻ đẹp nào của sông Đà qua phần trích tùy bút Người lái đò sông Đà? Phân tích những vẻ đẹp đó để thấy rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.
Hướng Dẫn Làm Bài
Phần I: Đọc Hiểu
Câu 1: Hawking nói:“không nhiều lắm, tôi cố gắng sống một cuộc sống bình thường nhất có thể, không nghĩ về tình trạng của mình…”.
Câu 2: Hawking là một người giàu ý chí, nghị lực và có ý thức nỗ lực vượt qua nghịch cảnh.
Câu 3:
– Những giải thưởng mà Stephen Hawking nhận được cho thấy ông là một người trí tuệ, tài năng và là một con người đam mê nghiên cứu khoa học.
– Những giải thưởng khoa học danh giá ấy là sự tôn vinh con người có những cống hiến lớn lao cho khoa học.
Câu 4:
Có thể rút ra một trong những thông điệp sau:
– Nghị lực có thể giúp con người vượt qua những khó khăn, trở ngại.
– Niềm đam mê ở bất cứ một lĩnh vực nào cũng có thể đưa con người đến những thành công.
– Khát vọng cống hiến trí tuệ, tài năng cho nhân loại là những cống hiến vẻ vang và cao quý…
Phần II: Làm Văn
Câu 1:
1. Yêu cầu về hình thức – Đoạn văn 200 chữ, bố cục ba phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. – Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu… 2. Yêu cầu về nội dung: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. |
3. Triển khai vấn đề nghị luận – Giải thích được: Nghị lực là gì? Niềm đam mê là gì?: – Bàn luận, chứng minh: + Nghị lực và niềm đam mê hết sức có ý nghĩa trong cuộc sống đối với mỗi một con người. Nghị lực giúp con người vượt lên trên hoàn cảnh còn niềm đam mê sẽ giúp con người phát huy hết khả năng của mình để đạt được những thành công trong cuộc sống.+ Con người cần phải có nghị lực và niềm đam mê để sẵn sàng đối mặt với những thử thách và đi đến tận cùng mơ ước của mình. + Đề cao những người có nghị lực và biết theo đuổi niềm đam mê đến cùng. Phê phán những con người thiếu nghị lực, dễ từ bỏ niềm đam mê khi gặp khó khăn. – Rút ra được bài học nhận thức và hành động. |
Câu 2:
Từ hai góc nhìn của Nguyễn Tuân, liên tưởng đến vẻ đẹp của sông Đà qua phần trích tùy bút Người lái đò sông Đà. Phân tích những vẻ đẹp đó để thấy rõ phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân. 1. Yêu cầu chung. Về kĩ năng – Biết cách làm bài văn nghị luận văn học. – Vận dụng tốt các thao tác lập luận: phân tích, chứng minh, so sánh… – Không mắc lỗi các lỗi diễn đạt. – Khuyến khích những bài viết có sự sáng tạo. |
b. Về kiến thứcVận dụng kiến thức trong phần trích tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân để làm một bài văn nghị luận văn học. |
2. Yêu cầu cụ thể. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận. b. Phân tích * Đoạn văn (1): Bằng câu văn dài ngắt ra nhiều vế câu, điệp từ, từ láy, lối nói nhân hóa, Nguyễn Tuân khơi dậy cảm giác mạnh, bất ngờ, thú vị về con sông qua sự hợp sức của nước, đá, sóng, gió ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng. Từ góc nhìn này, liên tưởng đến vẻ đẹp dữ dội, hùng vĩ của sông Đà trong phần trích của tùy bút: – Dòng chảy đặc biệt, ngang ngược Đà giang độc bắc lưu.– Cảnh hai bờ sông đá dựng vách thành, cảnh ghềnh thác dày đặc, đầy cạm bẫy; những hút nước sâu hoắm (đoạn ghềnh Hát Loóng, quãng Tà Mường Vát…)…sẵn sàng nuốt chửng hoặc lật ngửa bụng thuyền ra. – Âm thanh gào thét khủng khiếp của sóng thác; sự hung hãn của trận địa đá mai phục hàng ngàn năm làm thành trận đồ bát quái trong lòng sông ẩn chứa bao nhiêu hiểm họa đối với những người lái đò mưu sinh trên sông Đà… => Sông Đà hiện lên như một loài thủy quái khổng lồ, trở thành kẻ thù số 1 của con người. – Nghệ thuật: sử dụng câu văn dài ngắn linh hoạt; lối nói ví von, hình ảnh so sánh, nhân hóa mới mẻ, độc đáo gây ấn tượng mạnh; sử dụng hệ thống động từ phong phú, có sức biểu cảm cao; ngôn ngữ: sắc cạnh, gân guốc, khỏe khoắn…; tiết tấu mạnh; khả năng liên tưởng, tưởng tượng thú vị; khả năng quan sát tinh tế; vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực… * Đoạn văn (2): Với câu văn dài giàu hình ảnh và cảm xúc như một câu thơ đẹp, Nguyễn Tuân mang lại cho người đọc cảm giác lâng lâng trước con sông Đà qua hình ảnh so sánh tuyệt đẹp: sông Đà tuôn dài, tuôn dài như áng tóc trữ tình. Từ góc nhìn này, liên tưởng đến vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của sông Đà: – Dáng vẻ mềm mại, duyên dáng và quyến rũ giữa cảnh sắc thiên nhiên. – Lung linh, huyền ảo qua làn mây mùa xuân và ánh nắng mùa thu… – Vẻ gợi cảm, nên thơ, tĩnh lặng của bờ bãi sông Đà… – Hiền hòa, dịu dàng, đằm thắm ở phía hạ lưu… => Sông Đà như một cố nhân, như một người tình nhân chưa quen biết, gợi nhớ áng thơ Đường… – Nghệ thuật: câu văn giàu chất thơ, mềm mại; tiết tấu chậm rãi; so sánh chuẩn xác, trí tưởng tượng bay bổng, liên hệ cổ kim thơ phú tự nhiên và phù hợp… => Sông Đà mang hai vẻ đẹp: hung bạo và trữ tình. * Phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân thể hiện qua khả năng khám phá đối tượng thẩm mĩ: – Tài hoa và độc đáo: khám phá thiên nhiên ở phương diện thẩm mĩ với những liên tưởng, tưởng tượng bất ngờ, thú vị… – Uyên bác và lịch lãm: vốn tri thức phong phú và vốn ngôn ngữ giàu có; vận dụng những tri thức ở nhiều lĩnh vực như địa lí, lịch sử, quân sự, võ thuật, điện ảnh, văn học, hội họa… – Văn phong phóng túng, ngôn ngữ điêu luyện, giàu tính tạo hình, hình ảnh giàu sức gợi… – Cảm hứng mãnh liệt trước thiên nhiên kì thú… * Đánh giá chung: – Khái quát vẻ đẹp của Sông Đà. – Khẳng định thành công nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tái hiện hình ảnh sông Đà. |
Đọc thêm: Phân tích hai trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ Phùng
Trên đó là Bộ đề thi thpt quốc gia môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023. Được ra với cấu trúc sát nhất với đề thi của năm nay mà bộ đưa ra vậy nên các em cứ yên tâm tham khảo và luyện tập.
Originally posted 2019-06-04 14:25:54.
Để lại một phản hồi