Giáo Án Rừng Xà Nu định hướng phát triển năng lực
Thông Tin Giáo Án Rừng Xà Nu định hướng phát triển năng lực
I. Kiến thức cơ bản
1.Kiến thức về tác giả
– Nguyễn Trung Thành ( bút danh khác là Nguyên Ngọc) tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu
– Ông sinh năm 1932 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
– Năm 1950 , Nguyễn Trung Thành gia nhập quân đội, sau đó làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên khu V.
– Sau hiệp định Giơ- ne-vơ , ông tập kết ra Bắc.
– Năm 1962 ông trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu, làm chủ tịch chi hội văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung Bộ, đồng thời phụ trách tạp chí văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ.
– Sau kháng chiến chống Mỹ ông tiếp tục hoạt động văn nghệ, ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, tổng biên tập báo Văn nghệ.
liên quan: Giới thiệu cuốn sách Knock Out – kì thi thpt quốc gia ngữ văn
2.Kiến thức về tác phẩm
a.Hoàn cảnh sáng tác
– Truyện ngắn Rừng xà nu được viết vào mùa hè năm 1965, khi đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam nước ta.
– Tác phẩm in lần đầu trên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (số 2-1965).Sau in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969).
b. Nội dung
– Rừng xà nu là câu chuyện kể về làng Xô Man theo Đảng, theo cách mạng. Nhân vật trong truyện kể về làng Xô Man thuộc nhiều thế hệ: cụ mết, Tnú,, Dít, Heng…trong giai đoạn hung hãn tột cùng của kẻ thù họ đã nổi dậy.
– Truyện có hai câu chuyện đan cài vào nhau: chuyện về cuộc đời Tnú, và chuyện kể về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man, trong đó câu chuyện về cuộc đời Tnú, là tình tiết chính, cốt lõi của câu chuyện kể về cuộc nổi dậy của làng Xô Man.
– Hình tượng cây xà nu:
+ Cây xà nu đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân làng Xô Man.
+ Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận của nhân dân Tây Nguyên tronchiến tranh cách mạng.
– Hình tượng nhân vật Tnú
+ Tnú là người gan góc, dũng cảm, mưu trí.
+ Tnú có tính kỷ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng.
+ Tnú có tình yêu thương và sục sôi căm thù.
+ Cuộc đời bi tráng của Tnú và con đường đến với cách mạng của Tnú điển hình cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lý: phải dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, đấu tranh vũ trang là con đường tự giải phóng.
– Hình tượng rừng xà nu và Tnú có mối quan hệ khăng khít, bổ sung cho nhau.
c. Nhan đề Rừng xà nu
– Nhan đề là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Hình ảnh rừng xà nu là linh hồn của tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo và dụng ý nghệ thuật của nhà văn được khơi nguồn từ hình ảnh này.
– Rừng xà nu là hình ảnh trung tâm có vẻ đẹp riêng, gắn bó mật thiết với cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên, biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên: sức sống mãnh liệt, kiên cường, bất khuất, khao khát tự do. – Nhan đề còn gợi chủ đề, cảm hứng sử thi cho truyện ngắn.
Liên quan: Phân tích Rừng xà nu truyện ngắn xuất xắc của Nguyễn Trung Thành
d. Nghệ thuật
– Nghệ thuật trần thuật: trong truyện Rừng xà nu có hai lớp thời gian: thời gian kể chuyện( chỉ trong một buổi chiều và đêm Tnú về thăm làng Xô Man) và thời gian các sự kiện được kể rất dài ( các sự kiện về cuộc đời Tnú).
– Điểm nhìn trần thuật : ngôi thứ ba giấu mặt và cụ Mết.
– Tính sử thi:
+ Hướng tới vấn đề mang tính cộng đồng, ý nghĩa toàn dân tộc, thời đại.
+ Phản ánh cuộc kháng chiến của nhân dân làng Xô Man, người dân Tây Nguyên
+ Các nhân vật mang tính sử thi( Tnú, cụ Mết) tiêu biểu cho dân làng Xô Man, tính cách điển hình của người dân Tây Nguyên.
+ Hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp sử thi lớn lao, kỳ vĩ, có sự kết hợp giữa hiện thực và biểu tượng lãng mạn.
+ Ngôn ngữ nghệ thuật trang trọng, hào hùng, tráng lệ.
II.Luyện đề.
Đề 1: Cảm nhận của em về nhận vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
a.Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
– Nêu vấn đề cần nghị luận.
b. Thân bài.
* Tnú là nhân vật điển hình cho tính cách người dân Tây Nguyên:
– Tnú gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thực:
+ Khi đi làm liên lạc Tnú luôn chọn đường khó để đi.
+ Khi học chữ thua Mai, Tnú đập vỡ bảng, lấy đá ghè vào đầu đến chảy máu.
+ Khi bị giặc đốt mười đầu ngón tay Tnú không van xin , không kêu la. Nhớ lời anh Quyết dặn “ Người cộng sản không thèm kêu van”.
+ Đôi bàn tay Tnú:
Lúc nhỏ bàn tay tình nghĩa, thủy chung; lúc vượt ngục bàn tay nắm chặt tay Mai nóng bỏng yêu thương; khi bị giặc bắt tra tấn, 10 ngón tay bị đốt bằng nhựa xà nu. Đôi bàn tay mỗi ngón cụt một đốt vẫn cầm súng lên đường tìm thằng Dục để trả thù. Đôi bàn tay là biểu tượng cho lòng kiên trung, sự gan dạ, bền bỉ và sức dẻo dai của Tnú.
– Tnú trung thành với cách mạng: được bộc lộ qua thử thách (bị giặc bắt, tra tấn dã man, lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành không khai nửa lời…)
– Tnú có số phận đau thương và cháy bỏng lòng căm hờn: không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đốt 10 đầu ngón tay). Mang trong mình 3 mối thù lớn: bản thân, gia đình, buôn làng song Tnú là người có ý chí, nghị lực, biết vượt lên mọi đau đớn và bi kịch cá nhân để đi chiến đấu trả thù.
– Tnú có tính kỉ luật cao: thực hiện nghỉ đúng giấy phép – nghỉ một ngày.
– Tnú là người giàu tình yêu thương với đối với người thân, với nhân dân, đất nước(Tnú xông ra cứu vợ con với hai bàn tay trắng, khi về thăm làng vẫn để cho vòi nước của làng giội lên khắp người như ngày trước, vẫn nhớ mặt mội người, chia muối cho mọi người…)
=> Tnú là nhân vật anh hùng, người con vinh quang của dân làng Xô Man, của người Strá được tác giả khắc hoạ bằng những đường nét độc đáo, giàu chất sử thi.
*Số phận của người anh hùng Tnú gắn liền với số phận cộng đồng, Tnú là nhân vật điển hình cho con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên.
– Bi kịch của Tnú khi chưa cầm vũ khí cũng là bi kịch chung của người dân Tây Nguyên khi chưa thấu hiểu chân lý “ Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”
– Tnú chỉ được cứu khi người dân làng Xô Man nổi dậy dưới sự lãnh đạo của cụ Mết.
– Con đường đấu tranh của Tnú từ sức mạnh bột phát cá nhân đến đấu tranh cách mạng cũng là con đường đi của dân làng Xô Man, của đồng bào các dân tộc: con đường đấu tranh giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Liên quan: Mở bài kết bài Rừng Xà Nu hay độc đáo nhất
*Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Kết hợp giữa cảm hứng sử thi và lãng mạn: vẻ đẹp nhân vật Tnú tiêu biểu cho cả cộng đồng cho người dân làng Xô Man, điển hình cho tính cách Tây Nguyên về lý tưởng, sức mạnh,tính cách…..
c.Kết bài:
Đánh giá chung
– Khẳng định ý nghĩa, vai trò của nhân vật Tnú trong tác phẩm.
– Cảm nghĩ riêng về ý nghĩa nhân vật Tnú.
Đề 2: Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “ Rừng xà nu” ( Nguyễn Trung Thành)
a.Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
– Nêu vấn đề cần nghị luận.
b. Thân bài.
– Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống con người Tây Nguyên.
+ Cây xà nu hiện lên trong tác phẩm trước hết như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Mở đầu và kết thúc tác phẩm cũng bằng hình ảnh của cây xà nu, rừng xà nu như chính dân làng Xô Man, như người dân Tây nguyên trên núi rừng trùng điệp: “đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Qua hình tượng cây xà nu nhà văn đã dựng được bối cảnh hùng vĩ và hoang dã đậm màu sắc Tây Nguyên cho câu chuyện.
+ Cây xà nu gần gũi với đời sống của người dân Xô Man, thấm sâu vào nếp suy nghĩ và cảm xúc của họ, là chứng nhân của những sự kiện quan trọng xảy ra với họ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì. xà nu là lá chắn để bảo vệ làng Xô Man trước đạn pháo của giặc:“Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”.
+ Cây xà nu có sức sống mãnh liệt: “trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy”. Đây là yếu tố cơ bản để xà nu vượt qua giới hạn của sự sống và cái chết. Sự tồn tại ngay trong sự hủy diệt: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên”
– Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận con người Tây Nguyên trong chiến tranh Cách mạng.
+ Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác của kẻ thù gợi cho ta nghĩ đến đau thương mà đồng bào ta phải trải qua trong thời kì cách mạng miền Nam bị khủng bố khốc liệt.Trong bom đạn chiến tranh thương tích đầy mình, cây xà nu vẫn hiên ngang vươn lên mạnh mẽ như người dân Tây Nguyên kiên cường bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù.
+ Cây xà nu rắn rỏi cùng đặc tính “ham ánh sáng” và khí trời của cây xà nu tựa như người Xô Man chân thật, mộc mạc, phóng khoáng, yêu cuộc sống tự do. Tượng trưng cho niềm khao khát tự do, lòng tin vào lí tưởng Cách mạng của người dân Tây Nguyên, của đồng bào Miền Nam.
+ Cây xà nu- rừng xà nu tầng tầng lớp lớp, kế tiếp nhau lớn lên trong bom đạn với một sức sống mãnh liệt không gì ngăn cản nổi gợi cho ta nghĩ đến sự tiếp nối của nhiều thế hệ người Tây Nguyên đứng lên đấu tranh giữ gìn xứ sở và truyền thống cha ông.
+ Sự tồn tại kì diệu của rừng xà nu qua những hành động hủy diệt, tàn phá của đạn đại bác thể hiện sự bất khuất, kiên cường, sự vươn lên mạnh mẽ của con người Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù.
*Nghệ thuật miêu tả cây xà nu:
+ Kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan.
+ Miêu tả cây xà nu trong sự so sánh, ứng chiếu với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên, đồng thời gợi nhiều suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống.
c.Kết bài:
– Đánh giá chung
– Khẳng định ý nghĩa, vẻ đẹp của hình tượng cây xà nu trong tác phẩm.
Originally posted 2019-07-25 14:29:18.
Để lại một phản hồi