Đề bài Tây Tiến theo hướng mới năm 2023: Nếu để ý kĩ chu kì ra đề của bộ thì chúng ta có thể thấy cứ một năm đề ra là một tác phẩm truyện thì năm sau lại là một tác phẩm thơ. Vậy nên rất có thể năm nay sẽ là 1 tác phẩm thơ mà đã nói đến thơ trong chương trình 12 thì không thể nào không nhắc tới Tây Tiến. Vậy nên hãy cùng tìm hiểu: Đề bài Tây Tiến theo hướng mới năm 2023. (Đùa đấy… mọi người tham khảo đề bài sau và cùng ôn luyện nha)
Đề Bài Tây Tiến theo hướng mới năm 2023
Cảm nhận về hai đoạn thơ sau trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng, từ đó trình bày những nét đặc sắc về ngôn ngữ và giọng điệu của hai đoạn thơ trên:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Và:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Dàn Ý Chi Tiết
I: Mở bài
Xứ sở Tây Bắc thơ mộng và hình tượng người lính Tây Tiến trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Quang Dũng cũng không ngoại lệ! Một người nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, nhưng Quang Dũng được biết đến trước hết là một nhà thơ với hồn thơ hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng và tài hoa.
“Tây Tiến” là bài thơ “đẹp” nhất, tiêu biểu nhất cho đời thơ Quang Dũng. Bài thơ được sáng tác năm 1948 khi Quang Dũng đã rời xa đoàn quân Tây Tiến. Một buổi chiều tại làng Phù Lưu Chanh ven con sông Đáy hiền hòa, Quang Dũng bỗng nhớ về những người đồng đội cũ, nhớ những cung đường chiến đấu đã qua, “Tây Tiến” năm ấy đã bật ra thành lời thơ vừa trữ tình, vừa gân guốc. Để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc có lẽ là hai đoạn thơ: đầu – cuối của tác phẩm. Đặc sắc về ngôn từ lẫn giọng điệu phần nào được thể hiện rõ qua hai đoạn thơ này:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Và:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Đọc thêm: Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng trong Tây Tiến qua 2 đoạn thơ
II: Thân bài
1. Khái quát chung
“Tây Tiến” là minh chứng cho một sự kiện lịch sử trọng đại trong sự nghiệp chiến đấu của Tổ quốc. Văn học thời kì này nói chung tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, thể hiện hình tượng người lính anh hùng, bất khuất, hiên ngang.
Quang Dũng – một người lính, một thi sĩ lấy chiến trường làm chất liệu, lấy cuộc đời làm trải nghiệm viết nên thi phẩm bất hủ sống mãi trong tâm hồn bao người. Cuộc hành binh đầy máu lửa của Trung đoàn 52, được thành lập ngày 27 tháng 2 năm 1947.
Binh sĩ bao gồm các chiến sĩ giải phóng quân từ Việt Bắc về Hà Nội chuyển thành Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, trí thức, dân nghèo thành thị, các nhà sư, cựu binh trong quân đội thuộc địa Pháp, người dân tộc… tự nguyện tham gia Mặt trận Việt Minh.
Bộ đội Tây Tiến tập kết từ xuôi lên rồi tỏa đi các mặt trận Tây Bắc biên giới Việt Lào. Thời Tây Tiến đầy máu lửa nhưng rất đỗi oai hùng đã để thương để nhớ trong lòng Quang Dũng. Bài thơ được viết bằng hoài niệm, mỗi câu mỗi chữ là sự kết tinh của nỗi nhớ, một nỗi nhớ da diết về đồng đội, về những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hào hùng, vẻ vang.
Đọc thêm: So sánh nỗi nhớ trong Tây Tiến và Sóng
2. Cảm nhận về hai đoạn thơ
a/ Đoạn thơ thứ 1
Ở đoạn thơ đầu, kí ức Quang Dũng hướng về những chặng đường hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến trong khung cảnh hùng vĩ, dữ dội của núi rừng miền Tây Bắc bộ.
– Hai câu thơ đầu thâu tóm cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ: xa rồi một thời Tây Tiến, còn lại trong tác giả là nỗi nhớ “chơi vơi”:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Dường như không thể kìm nén được nữa, cảm xúc nhà thơ bỗng dưng dâng trào lên ngay từ câu thơ mở đầu. Quang Dũng đã bộc lộ nỗi nhớ từ sâu thẳm lòng mình. Nỗi nhớ về đơn vị cũ được cất lên thành lời, thành tiếng gọi tha thiết, vừa xao xuyến bồi hồi, vừa xen lẫn chút nuối tiếc khi phải xa rời đoàn quân Tây Tiến.
Theo tiếng gọi ấy, tất cả hiện về trong nỗi nhớ: con sông Mã – một hình ảnh hiện hữu, một chứng nhân lịch sử trong suốt cuộc đời người lính Tây Tiến với bao nỗi buồn vui, được mất, một thời Tây Tiến cũng đã qua.
Còn lại trong lòng Quang Dũng là nỗi nhớ “chơi vơi”, một nỗi nhớ miên man, da diết, bao trùm lên mọi không gian và thời gian.
– Những câu thơ tiếp theo diễn tả cụ thể nỗi nhớ về rừng núi, nơi gắn liền với những bước chân hành quân gian khổ, nhọc nhằn của người lính Tây Tiến. Hai câu thơ:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Gợi lên khung cảnh thiên nhiên vừa khắc nghiệt, vừa thử thách người lính: sương núi dày đặc che lấp cả con đường, lấp cả dáng người trong mù mịt. Nhưng cũng có khi thi vị, êm dịu lòng người bởi những bông hoa rừng ẩn hiện trong làn sương mờ, xoa dịu tâm hồn người chiến sĩ trên bước đường gian khổ.
Bốn dòng thơ tả cảnh thiên nhiên Tây Bắc, nhưng thấp thoáng đằng sau là bóng dáng người lính Tây Tiến vất vả, nhọc nhằn. Đường lên Tây Bắc hiểm trở, núi cao điệp trùng, người lính phải chịu đựng sự khắc nghiệt và nguy hiểm của thiên nhiên. Trong hoàn cảnh ấy, ý chí vững vàng lòng gan dạ sắt đã thôi thúc người lính vượt qua những gian lao, thử thách. Từ đó, vẻ đẹp hình ảnh người lính Cách mạng được nổi rõ hơn.
– Theo lời thơ, một hành trình Tây Tiến hiện ra: gian khổ, nhọc nhằn, đầy thử thách. Những người lính Tây Tiến lần lượt vượt qua tất cả bằng tinh thần hăng hái xông pha nơi rừng núi, bất chất mọi gian khổ hi sinh. Họ hiện lên thật trẻ trung, lạc quan, yêu đời, dũng cảm.
Đọc thêm: Kiến thức trọng tâm bài thơ Tây Tiến
b/ Cảm nhận đoạn thơ thứ 2
Đoạn thơ cuối được xem là khúc vĩ thanh ngân vang, khép lại khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc vừa dữ dội, vừa mộng mơ; khép lại những ấn tượng về người lính Tây Tiến trong sinh hoạt, trong chiến đấu và trong giây phút vĩnh biệt cuộc đời. Đây được xem là lời thề, quyết một lòng gắn bó với đoàn quân Tây Tiến.
– Hai dòng thơ: “Tây Tiến người đi không hẹn ước – Đường lên thăm thẳm một chia phôi” là lời tự tình pha chút ngậm ngùi, xa xót của Quang Dũng khi nhớ về Tây Tiến. Câu thơ “Tây Tiến người đi không hẹn ước” mang hai nét nghĩa. Trước hết, người dấn thân vào cuộc hành binh năm ấy phần đông là học sinh, sinh viên Hà Nội hào hoa thanh lịch; có người là kẻ tu hành, công nhân, nông dân… ở những miền quê khác nhau cùng vượt núi đèo lên Tây Bắc cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới.
Song, tình đồng chí, đồng đội đã giúp họ sát cánh bên nhau, cùng chung một mối thù, chung một tấm lòng, một ý chí, quyết tâm giữ gìn tấc đất quê hương dẫu trước đó chưa một lần hẹn ước. Nhưng ta có thể hiểu rằng người lính một khi quyết tâm lên Tây Tiến là không hẹn ngày trở về cố hương, bởi nơi lam sơn chướng khí nghìn trùng đầy hiểm nguy, mưa bom bão đạn, trong chiến tranh ai biết sẽ được trở về đoạn tụ hay không mà hẹn ước?
Câu thơ “Đường lên thăm thẳm một chia phôi”, Quang Dũng đã thổi vào đó một cảm xúc khác. Một chút đau đáu xốn xang bởi người lên Tây Tiến là “chia phôi”. Cung đường thăm thẳm ấy chia cắt người lính với gia đình, với quê hương. Điều đó trở thành nỗi đau không thể chữa lành trong lòng người đi, kẻ ở.
– Hai dòng thơ sau khép lại bài thơ, giai điệu thơ ngân vang trong hồn người, vừa trữ tình, vừa linh thiêng đến lạ:
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Đó là một lời thề! Vâng, đúng là một lời thề sắt đá, quyết trọn đời gắn bó với Tây Tiến, với đoàn binh “không mọc tóc” mà “dữ oai hùm”. “Mùa xuân ấy” – nhà thơ khéo léo nhắc lại thời điểm mùa xuân năm 1947 khi Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập, bộ đội khắp nơi tụ họp về Mộc Châu làm điểm tập kết rồi tỏa đi. Thời điểm ấy thiêng liêng vô cùng, có lẽ sẽ không bao giờ quên trong lòng người còn sống.
Câu thơ: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” mang dáng dấp buồn thương, song đặt trong ngữ cảnh bốn câu thơ cuối lại thấy nó nhẹ nhàng vô cùng. Người lính Tây Tiến “nhất khứ bất phục hoàn” (một đi không trở lại), tinh thần ấy giống như tinh thần của những tráng sĩ chinh phu xa xưa: “Gió hiu hiu chừ sông Dịch lạnh ghê – Tráng sĩ một đi không trở lại”. Chính vì thế mà nó mang nét đẹp vừa cổ kính, vừa dạt dào tinh thần thời đại.
Đọc thêm: Đề thi Sóng theo hướng mới năm 2023
– Đọc bốn dòng thơ này, người đọc làm sao quên được khúc ca thiêng liêng bên dòng Thạch Hãn của Lê Bá Dương:
“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
3. Nhận xét
Từ hai đoạn thơ trên, người đọc thấy được vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền của thiên nhiên Tây Bắc:
+ Dũng cảm vượt qua những gian lao, nhọc nhằn.
+ Tâm hồn đa cảm, mở lòng đón nhận khó khăn thử thách, đón nhận những vẻ đẹp hiếm hoi nơi núi rừng.
+ Lòng quyết tâm, ý chí can trường, một lòng trung thành với Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Hai đoạn thơ trên tiêu biểu cho đặc sắc ngôn từ và giọng điệu trong bài thơ Tây Tiến:
+ Ngôn từ: điêu luyện, tài hoa; sử dụng nhiều từ ngữ giàu chất tạo hình (sương lấp, hoa về trong đêm hơi, thăm thẳm); sử dụng từ ngữ cảm thán thể hiện nỗi nhớ thương da diết về đồng đội và núi rừng hoang sơ (Tây Tiến ơi); Ngôn ngữ giàu nhạc tính (“Đọc Tây Tiến như có ngậm nhạc trong miệng” – Xuân Diệu)
+ Giọng điệu: Lúc trữ tình, lúc gân guốc, hùng tráng; ở đoạn cuối, giọng điệu thơ thiên về sự cổ kính, thiêng liêng, trang trọng.
Đọc thêm: Bộ đề thi thpt quốc gia môn ngữ văn theo hướng mới năm 2023
III: Kết bài
“Tây Tiến” trở thành thi phẩm tuyệt vời của thơ ca thời kì kháng Pháp. Bao nhiêu năm trôi qua, bụi thời gian có thể phủ mờ lên tất cả, quy luật băng hoại có thể đào thải một số tác phẩm khỏi tâm hồn người đọc, song “Tây Tiến” vẫn còn vang mãi, như một khúc ca tưởng niệm những người chiến sĩ Trung đoàn 52 khi xưa…
Originally posted 2019-06-16 14:48:48.
Để lại một phản hồi