Đề bài: So sánh Tây Tiến và Sóng
Ta bắt gặp một nỗi nhớ “bổi hổi bồi hồi” trong ca dao xưa, một nỗi nhớ “chín nhớ mười mong” trong thơ Nguyễn Bính. Đến với thơ Xuân Diệu ta lại cảm nhận được nỗi nhớ tha thiết trong “ Tương tư chiều”:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em. Anh nhớ lắm! Em ơi!”
Quả thật, theo dòng chảy của văn học Việt Nam, nỗi nhớ luôn được các nhà thơ cảm nhận và thể hiện vô cùng phong phú, sinh động và hấp dẫn. Nhớ về đoàn quân Tây Tiến cùng núi rừng Tây Bắc, Quang Dũng đã có cách thể hiện rất đặc sắc:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi,”
(Trích “Tây Tiến”, Quang Dũng)
Còn đây là nỗi nhớ trong thơ Tố Hữu:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”
(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)
Khác với hai nam thi sĩ trên, Xuân Quỳnh, một nữ sĩ trẻ tuổi lại có những cảm nhận về nỗi nhớ rất nữ tính và độc đáo:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh)
Mỗi người một cá tính, một thời đại thế nên cùng viết về nỗi nhớ ấy nhưng ta vẫn thấy được sự khác biệt, nét cá tính mà mỗi nghệ sĩ đã thổi vào từng câu thơ.
Là chiến sĩ xuất thân từ một sinh viên Hà Nội (xưa thuộc Hà Tây) lại rất gắn bó với đoàn quân Tây Tiến nên “Tây Tiến” của Quang Dũng ra đời (1948) đã thể hiện rất rõ nỗi nhớ của nhà thơ với núi rừng Tây Bắc, nơi tác giả đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ, đẹp đẽ với đồng đội:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, quang dũng đã mở ra một hiện thực xa cách không gian, thời gian. Hai chữ “xa rồi” chất chứa bao nỗi niềm lưu luyến, nuối tiếc, bao buồn nhớ. Và có lẽ vì “xa rồi” đoàn quân Tây Tiến, “xa rồi” núi rừng Tây Bắc nên nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến, về rừng núi đã chợt dấy lên trong lòng tác giả. Nỗi nhớ sau bao ngày dồn nén, chất chứa giờ đã không thể kìm nén nổi phải thốt lên thành lời:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Chỉ trong hai câu thơ mà từ “nhớ” được láy đi láy lại tới hai lần như một điệp khúc, như những con sóng lòng cứ từng đợt trào dâng trong trái tim người lính trẻ. Nỗi nhớ ấy không “bổi hổi bồi hồi” mà “chơi vơi”_ một trạng thái khó định hình, lửng lơ trong lòng nhưng luôn ám ảnh, da diết trong tâm tưởng. Ta bắt gặp hai chữ “chơi vơi” ấy trong ca dao:
“Ra về nhớ bạn chơi vơi”
Trong hai câu thơ trên, Quang Dũng cũng rất tài tình khi kết lại mỗi câu thơ bằng vần “ơi”, tạo nên âm hưởng chủ đạo thật nhẹ nhàng, ngân nga, da diết, đầy tính dư ba. Lời gọi trong câu cảm thán vì thế mà cũng như ngân dài vọng khắp núi rừng Tây Bắc. Và nỗi nhớ kia dường như cũng đã lan tỏa, bao trùm khắp không gian và toàn bộ bài thơ, tạo mạch cảm xúc, tạo cơ sở để Quang Dũng bày tỏ nỗi nhớ về những kỷ niệm với đoàn binh tây Tiến, về thiên nhiên, con người Tây Bắc.
Đọc thêm: Cảm nhận về bài thơ đây thôn vĩ dạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử
Những câu thơ thiết tha, tràn đầy cảm xúc có sức vang kỳ diệu cứ thế xoáy sâu vào lòng người đọc.Khác với Quang Dũng, Tố Hữu là nhà thơ mang điệu hồn dân tộc, chính vì thế nên trong “Việt Bắc”_bài thơ được tác giả sáng tác vào tháng 10 – 1954, nhân sự kiện lịch sử của dân tộc, nhà thơ đã thể hiện một nỗi nhớ rất riêng mà cũng rất đỗi quen thuộc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”
Nhớ vốn là một trạng thái trong lòng người, trừu tượng và không thể nắm bắt được. Ấy vậy mà, Tố Hữu lại so sánh nỗi nhớ với một khái niệm cũng trừu tượng: “như nhớ người yêu”. Trừu tượng đấy nhưng với chúng ta, những người yêu thích, gắn bó với ca dao dân ca dân tộc, có ai lại không cảm nhận được một nỗi nhớ tình tứ, nồng nàn, một nỗi nhớ cháy bỏng, da diết nhất. Chính nhờ cách so sánh độc đáo mà gần gũi ấy, Tố hữu đã đánh thức biết bao nỗi nhớ trong điệu hồn dân tộc:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”
“Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa”
Hay:
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai…”
Quả thật, chỉ bằng một phép so sánh mà nỗi nhớ của tố hữu trở nên thật sinh động, sâu sắc với rất nhiều trạng thái phong phú, phức tạp, tinh tế. Nỗi nhớ ấy, nhà thơ dành cho một người con gái nào chăng? Không, đó là nỗi nhớ Việt Bắc_quê hương, cái nôi của cách mạng, nơi nhà thơ đã gắn bó máu thịt với thiên nhiên, con người Việt Bắc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”
Trong nỗi nhớ ấy, thiên nhiên Việt Bắc hiện lên là một bức tranh thật nên thơ, hùng vĩ. Ở nơi địa thế vây bọc bởi núi cao này, ta chỉ thấy trăng khi đã lên tới đỉnh núi và ánh mặt trời chiều chỉ lên tới lưng chừng nương đã bị núi cao che khuất.
Trực tiếp bộc lộ nỗi lòng qua từ “nhớ” kết hợp với tình thái từ “gì” để nhấn mạnh sự da diết cùng với những hình ảnh thiên nhiên rất cụ thể, sinh động trong nỗi nhớ, ta nhận ra một điều rằng: Việt Bắc trong trái tim Tố Hữu có một vị trí rất đặc biệt. Nhà thơ yêu và gắn bó, luôn hướng về Việt Bắc với những tình cảm chân thành, cao đẹp nhất.
Đọc thêm: Phân tích nhân vật mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài
Như vậy, ta có thể thấy rằng, nỗi nhớ trong thơ của Quang Dũng và Tố Hữu đều phảng phất chút hương vị của nỗi nhớ trong ca dao mộc mạc. Và đối tượng đã khiến trái tim của hai nhà thơ phải nhớ mãi không nguôi đều chính là những địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc Việt Nam ta.
Nếu như nỗi nhớ Quang Dũng và Tố Hữu thể hiện trong hai bài thơ trên là nỗi nhớ của người chiến sĩ cách mạng, nỗi nhớ của một nam thi sĩ thì trong “Sóng”, Xuân Quỳnh đã thể hiện một nỗi nhớ hoàn toàn khác biệt:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Nói đến Xuân Quỳnh, là nghĩ ngay đến một chất thơ tươi tắn, hồn hậu và nồng nhiệt – nồng nhiệt trong cuộc sống, đặc biệt là tình yêu. Có lẽ chính thế nên hai câu thơ trên cũng không là một ngoại lệ. Câu thơ đã bộc lộ nỗi nhớ của một người con gái đang yêu với người tình trong mộng: “anh”. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong ba nỗi nhớ của ba nhà thơ. Từ điểm khác biệt về đối tượng này ta có thể nhận ra nhiều nét độc đáo, cá tính khác mà nữ sĩ Xuân Quỳnh đã thể hiện trong hai câu thơ trên.
Nỗi nhớ_biểu hiện thường thấy ở một tình yêu đích thực, đã đi vào thơ Xuân Quỳnh với những rung ngân mới. Không màu sắc, cũng chẳng cần mượn hình ảnh so sánh, ẩn dụ, cũng chẳng giấu giếm, hình tượng nỗi nhớ được bộc lộ trực tiếp và thẳng thắn bằng một câu nói chân thành “Lòng em nhớ đến anh”. Lời thơ tựa như một lời tự thú giản dị.
Đâu rồi cái thẹn thùng e ấp? Liệu rằng điều đó có làm mất đi nét dịu dàng truyến thống – tế nhị của người người phụ nữ Á Đông? Hẳn là không, vì đó mới đích thực là người phụ nữ Á Đông hiện đại – mãnh liệt, trong sáng, hồn nhiên, táo bạo, chủ động. Và như thế mới đúng là phong cách thơ Xuân Quỳnh, mới gần với Xuân Quỳnh của đời thường: “Xuân Quỳnh khi yêu rất nồng nàn và rất thực. Trước nay có lẽ chưa có người con gái làm thơ nào đã nói lời yêu cháy bỏng, thật và dữ dội như chị. Đó chính là nét hiện đại của tâm hồn chị, tâm hồn phụ nữ thế kỉ XX dám yêu và dám thổ lộ tât cả…”
Nếu đặt câu thơ vào lại khổ thơ và trong cái nhìn toàn diện vào cả bài thơ, dễ nhận thấy ở đây không còn là em – sóng nữa, chỉ còn em và anh với dấu gạch nối tình yêu. Xuân quỳnh không chỉ nói “em nhớ anh” mà sâu hơn là “lòng em nhớ đến anh”. Đọc và ngẫm, mới hiểu cái ý mà nữ sĩ gửi gắm về hình tượng: khởi nguồn của nỗi nhớ ấy không hẳn là từ khối óc mà dường như phát ra từ tận tim – một trái tim khao khát yêu thương.
Đọc thêm: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh đầy đủ và hay nhất
Câu thơ là sự lột xác hệt như cô Tấm bước ra từ trái thị, em tự tách mình rời khỏi sóng, rời khỏi lớp áo ẩn dụ để bộc bạch tình cảm. Vì đó, nó đủ sức phả ra một nỗi nhớ để rồi xuyên thấm đến tâm hồn người đọc những xúc cảm mãnh liệt. Và phải chăng vì nỗi nhớ quá mãnh liệt ấy mà câu thơ tiếp theo thành ra rất đỗi… không đâu. Thế nào là “Cả trong mơ còn thức”?
Đó là một hình ảnh rất gợi nhưng khó lí giải trọn vẹn và tường minh. Có cái gì đó như là sự phi lý ngược ngạo trong câu thơ. Nhưng nếu đặt nó trong sự gắn kết với câu trên, đặt nó vào một trái tim đang yêu thì có thể hiểu rằng hình tượng muốn biểu đạt ở đây là nỗi nhớ dãn dài theo thời gian – ngày đêm.
Nỗi nhớ quá lớn, vượt ra khỏi sức chứa của thời gian thực, không gian thực, để len vào cả trong giấc ngủ (nơi thời gian – không gian trở nên hư ảo). Nỗi nhớ như bản lề đóng khép giữa thực và mơ, như sợi dây chuyền chạy dọc từ tâm thức, tiềm thức, đến vô thức. Nó theo em đến kiệt cùng tâm linh. Có lẽ đó mới đích thực là nỗi nhớ của người đàn bà “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”(Tự hát).
Đọc thêm: Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ: “Hình mẫu lý tưởng của mọi chàng trai”
Bằng cách đưa ra một nghịch lý (cả trong mơ còn thức) để thể hiện một chân lý của tình yêu (yêu là nhớ thương da diết), bằng việc sử dụng cặp đối lập “mơ – thức” kết hợp với “không ngủ được” tạo nên một trường liên tưởng đến nỗi nhớ vượt thời gian, không gian, cộng với cặp từ “cả…còn” (nỗi nhớ bao trùm mọi phạm vi), Xuân Quỳnh đã vẽ lên một không gian yêu thương nhung nhớ mở rộng đến vô cùng, đã chứng minh được sự táo bạo, nét cách tân trong thơ mình. Để rồi từ đó, nữ sĩ đã góp phần tạo cho nỗi nhớ trong văn học dân tộc một sắc thái mới, một cách thể hiện mới rất Xuân Quỳnh.
Mỗi người cầm bút đều có một nỗi nhớ cho riêng mình. Quang Dũng gửi gắm nỗi nhớ về Tây Tiến vào hai câu thơ thất ngôn, Tố Hữu bày tỏ nỗi nhớ về thiên nhiên Việt Bắc qua cặp lục bát mượt mà còn Xuân Quỳnh lại dồn nén nỗi nhớ vào hai câu thơ năm chữ. Mỗi nghệ sĩ có một cách thể hiện riêng, đem đến một nỗi nhớ với sắc thái riêng. Tất cả đều là những tình cảm cao đẹp,nhân văn của lòng người. Và nếu muốn cảm nhận được hết cái hay cái đẹp trong những câu thơ ấy hãy đừng chỉ đọc bằng cách ngắm nhìn từng con chữ, hãy đọc bằng cả trái tim.
So sánh Tây Tiến và Sóng
Originally posted 2019-04-07 00:28:40.
Để lại một phản hồi