Phân tích đoạn một bài thơ Việt Bắc
Đề bài: Phân tích đoạn một bài thơ Việt Bắc
Tố Hữu là nhà thơ luôn đi đầu trong phong trào nghệ thuật vì nền cách mạng nước nhà. Có thể thấy, mỗi một tác phẩm của ông đều gắn liền với những mốc sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Thơ của Tố Hữu luôn mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc, mang đậm tính sử thi và mang tính dân tộc rất đậm đà. Một trong những tác phẩm hay, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đó của ông là bài thơ Việt Bắc. Và chỉ qua khổ đầu của bài thơ, ta có thể thấy được tình cảm gắn bó khăng khít giữa những người cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc trong giây phút chia tay.
Liên quan: Việt Bắc và những kiến thức trọng tâm.
Sau chiến thắng Điện Biên Phú, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, hoà bình được lập lại. Tháng 10 năm 1954 những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Chính trong sự kiến ấy, Tố Hữu đã viết bài thơ “Việt Bắc” để thể hiện tình cảm của mình đối với nhân dân Việt Bắc, là tâm tình của người ra đi muốn nói với người ở lại. Mở đầu bài thơ, tác giả đã nói thay lời của những người ở lại nói với những người về xuôi:
– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
Có thể thấy, tác giả đã sử dụng đại từ nhân xưng “mình – ta” để chỉ mình, hay những người về xuôi và nhân dân Việt Bắc. “Mình” và “ta” là hai đại từ nhân xưg thường được sử dụng nhiều trong ca dao, dân ca để thể hiện mối quan hệ gần gùi, thân mật giữa quân và dân ta.
Điệp từ “nhớ” được nhắc lại nhiều lần kết hợp cùng các câu hỏi liên tiếp như “Mình về mình có nhớ ta” hay “Mình về mình có nhớ không” như câu hỏi mà cũng như là lời dặn dò của người ở lại nói với người ra đi. Nó như để tô đậm thêm tình cảm sâu đậm nhân dân Việt Bắc dành cho những người cán bộ cách mạng. “Mười lăm năm” là quãng thời gian quân và dân ta cùng ăn, cùng ở, cùng nhau kháng chiến chống Pháp.
Đò là một quãng thời gian dài không dài mà ngắn cũng chẳng ngắn nhưng lại chan chứa biết bao kỉ niệm của quân và dân ta. “Cây” và “sông” là biểu tượng của không gian miền xuôi, với vùng cao đầy “núi” và “nguồn”. Hơn tất cả thì “cây” và “sông”, những cảnh vật đã cùng “mình” với “ta” gắn bó trong suốt bao năm qua lúc vui kể cả lúc buồn.
Khoảng cách dẫn đến sự chia ly, nhưng người ở lại vẫn luôn mong muốn những người về xuôi sẽ luôn nhớ về Việt Bắc, về những kỉ niệm vui, buồn lúc khó khăn họ đã cùng nhau trải qua. Những tính từ “thiết tha”, “mặn nồng” được tác giả sử dụng như để tăng thêm giá trị của tình cảm giữa người ở lại với những người cán bộ về xuôi.
Những tình cảm mà nhân dân Việt Bắc dành cho những cán bộ về xuôi, tác giả đều hiểu cả. Tuy trong lòng chẳng lỡ rời xa nhưng vì sự nghiệp tương lai đất nước còn dang dở, họ vẫn phải đành:
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm chia buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay …
Những vần thơ ấy là lời mà người về xuôi nói với người ở lại. Tiếng “ai”, đại từ “ai” chất chứa biết bao niềm yêu thương tha thiết, nó chẳng chỉ bất kì cá nhân cụ thể nào cả mà đó là tất cả nhân dân Việt Bắc. Tất cả yêu thương mà Tố Hữu dành cho nhân dân Việt Bắc như nén cả vào tiếng “ai” ấy.
Đọc thêm: Sơ đồ tư duy :Việt Bắc chưa bao giờ đơn giản như vậy.
Tố Hữu đã sử dụng tiếng “ai” kết hợp cùng những từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” một cách thật xuất sắc, khi để lại âm vang trong lòng người về. Nó khiến cho tâm trạng con người càng trở nên nôn nao, những dòng cảm xúc cứ ào về mãi không thôi. Nhưng những tâm trạng nhớ thương ấy chỉ biết kìm nén chặt trong lòng, chẳng thể nào dùng lời lẽ bày tỏ, hay thét lên cho nguôi ngoai những nỗi buồn.
Hình ảnh “áo chàm” là một hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ chỉ nhân dân Việt Bắc. Màu áo chàm chính là đặc trưng cho hình ảnh của những người dân lao động miền núi nơi đây. Tấm áo ấy đã chất chứa biết bao mồ hôi, khó khăn vất vả, một nắng hai sương, cần cù lao động để chiến đấu, để nuôi dưỡng các anh lính cụ Hồ, là hậu phương vĩnh chắc để các anh yên tâm đánh giặc.
Chẳng phải áo bào, áo gấm để tiễn đưa mà chính là áo chàm, màu áo với biết bao gắn bó, yêu thương. Chỉ là bóng dáng của những con người lao động đó thôi nhưng sao vẫn khiến cho ta không khỏi cảm kích, biết ơn. Tình cảm lưu luyến, bịn rịn ấy còn được thể hiện qua hình ảnh “cầm tay”. Đôi bàn tay của những con người cầm súng ấm ấp, nâng niu đôi tay của những người lao động.
Những đôi tay vất vả, sờn lên vì những khó khăn khác nhau, nhưng giờ phút ấy, đôi ta đều chung một nỗi tâm tình. Hình ảnh giàu tính gợi hình, gợi cảm xúc, chẳng cần phải giãi bày nhiều vì có quá nhiều điều muốn nói, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nỗi lòng ấy, xin người để “ta” chôn chặt trong tim nhưng tình cảm sẽ sống mãi trong khoảnh khắc “cầm tay” ấy.
Chỉ qua tám câu thơ đầu trong bài thơ Việt Bắc, ta đã cảm nhận được một cách rõ nét tình cảm, tấm lòng, tình yêu thương mà người Việt Bắc và người cán bộ cách mạng dành cho nhau. Những ân tình ấy sẽ không chỉ là tình cảm nhân dân Việt Bắc dành cho cán bộ về xuôi mà còn là những tình cảm sống mãi trong lòng người đọc, thế hệ hôm nay và mai sau.
Originally posted 2019-02-17 22:13:38.
Để lại một phản hồi