Đề thi Vợ Chồng A Phủ theo hướng mới 2023 sẽ giúp các em học sinh làm quen với dạng đề theo hướng mới. Các em chú ý các làm và bài mẫu để hiểu rõ hơn về dạng đề bài này nha.
Liên quan: Việt Bắc ôn thi đại học năm theo hướng mới 2023
Đề thi Vợ Chồng A Phủ theo hướng mới 2023
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã có 2 đoạn viết:
“Ở lâu trong cái khổ, Mỵ cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mỵ cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày. Mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. ở buồng Mỵ nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi.”
Ở một đoạn khác, nhà văn viết:
“Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi Mị cũng vụt chạy. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
– A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
– Ở đây thì chết mất.
A Phủ chợt hiểu. Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.
A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.”
(Vợ chồng A Phủ Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.6 và tr.14).
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong hai đoạn trích trên. Từ đó bình luận ngắn gọn về cách nhìn con người của nhà văn Tô Hoài.
Bài làm
Tô Hoài là một trong những nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông thường là truyện ngắn và bút kí viết về thiên nhiên và đời sống nông thôn. Năm 1952, trong chuyến đi dài tám tháng ở vùng Tây Bắc, Tô Hoài đã cho ra tập truyện “Tây Bắc” và nổi tiếng với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” xoay quanh nhân vật Mị – một cô gái với cuộc đời khổ đau, bất hạnh, bi kịch song ẩn chứa trong đó một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Và ta có thể thấy được phần nào con người Mị qua hai đoạn trích ngắn sau:
Đọc thêm: Đề thi Tây Tiến theo hướng mới năm 2023
“Ở lâu trong cái khổ, Mỵ cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mỵ cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp.
Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày. Mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. ở buồng Mỵ nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Đến bao giờ chết thì thôi.”
Và ở một đoạn khác:
“Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
– A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
– Ở đây thì chết mất.
A Phủ chợt hiểu. Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.
A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.”
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” xoay quanh nhân vật chính là Mị – một cô gái miền cao trẻ, đẹp, chăm chỉ, hiếu thảo. Một cô gái trẻ với cả một quãng đường dài phía trước. Đáng nhẽ ra, cô cũng có thể có một tình yêu, có một gia đình nhỏ, một cuộc đời bình dị như bao con người khác. Nhưng không, vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà ngay trong đêm tình mùa xuân, cô bị A Sử – con trai thống lí Pá tra bắt về làm vợ. Cô về nhà thống lý làm con dâu, “con dâu gạt nợ”, sống không khác nào một con ở.
Là con ở, là con nợ còn có hi vọng thoát khỏi sự khốn khổ này nhưng làm “con dâu gạt nợ” thì cô phải mãi chấp nhận cuộc đời ấy. Từ một tương lai tươi sáng, Mị như rơi xuống tận đáy vực sâu. Ở nhà thống lí, mị sống không cả bằng con trâu, con ngựa, “có đến mấy tháng liền, đêm nào mị cũng khóc”. Đã từng trốn về gặp cha cùng với nắm lá ngón nhưng cuối cùng vì cha mà Mị lại không nỡ chết, can tâm chấp nhận cuộc sống nghiệt ngã này. Đoạn trích đầu tiên là sau khi cha Mị mất.
Chỗ dựa tinh thần, lý do để Mị tiếp tục sống giờ đã không còn nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến việc lấy lá ngón để tự tử nữa. Bởi vì, với mị, “sống lâu trong cái khổ, Mị cũng quen rồi”. Mỗi ngày trôi qua với Mị đều vô nghĩa. Tinh thần Mị giờ đây dường như đã bị tê liệt, không có bất kì phản ứng nào nữa. Mị hiện lên với cuộc đời, số phận khổ đau, bất hạnh, bi kịch. Mị “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa “, đó là cuộc đời của 1 kiếp vật chứ không phải kiếp con người nữa rồi. Sống trong nhà Thống Lý, Mị bị đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần, đau đớn về thể xác, tê liệt về tinh thần, mất hết ý niệm về không gian, thời gian. Và Mị chỉ có thể chờ chết rũ ở nơi đó mà thôi.
Với lối kể chuyện tự nhiên, hóm hỉnh kết hợp với cách miêu tả giàu hình ảnh, đoạn văn là sự mất ý thức của Mị về số phận của Mị, sự phản kháng mạnh mẽ ngày nào giờ đây đang dần thế chỗ cho sự cam chịu. Qua đây cũng là sự xót thương của Tô Hoài dành cho số phận khổ đau của Mị, cũng là số phận khổ đau của mọi người dân miền núi phải sống dưới ách thống trị của bọn chúa đất phong kiến. Đồng thời lên án tố cáo chế độ thực dân phong kiến chúa đất đã đàn áp, đầy đọa con người, làm cho con người phải khổ sở cùng cực đến thế này.
Cứ tưởng chừng như cuộc đời Mị sẽ mãi mãi can tâm chấp nhận kiếp sống khổ cực ở nhà thống lí Pá Tra trong vô vọng. Nhưng không, trong đêm đông cởi trói cứu A Phủ, sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy mãnh liệt. Trước cảnh A Phủ bị trói đứng, Mị đã từng dửng dưng như không nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má xám xịt của A Phủ, Mị mới chợt nghĩ về bản thân mình.
Mị cũng đã từng bị trói đứng như thế, cũng từng khóc như vậy … Lòng thương người rồi thương chính bản thân, Mị đã cắt dây cởi trói cho A Phủ. Đoạn trích thứ hai là sau khi Mị đã cắt dây cởi trói cho A Phủ. Cắt dây cởi trói, giải thoát cho A Phủ đồng thời cũng chính là giải thoát cho tâm hồn đã ngủ quên bấy lâu nay của Mị, giải thoát cho chính cuộc đời Mị. Mị đã không còn vô cảm với nỗi đau khổ của người khác và không thể tiếp tục vô cảm với nỗi đau khổ của chính mình.
Đọc thêm: Tây Tiến ôn thi đại học theo hướng mới
Nhìn A Phủ lao vụt đi, hình ảnh một con người trên bờ vực của cái chết đang mạnh mẽ thoát ra khỏi địa ngục trần gian tìm cho mình sự sống khiến Mị đột ngột hiểu điều cần làm ngay bấy giờ đó là tự giải thoát đời mình khỏi sự đày ải, thống trị, trói buộc tàn bạo của cường quyền và thần quyền suốt bao năm qua. Tô Hoài đã miêu tả một loạt những hành động của Mị trong những câu văn ngắn, cùng với các động từ mạnh “vụt chạy”, “băng đi”, “đã lăn”, “chạy”, “chạy xuống tới lưng dốc”, “Mị nói, thở” . Mị chạy để thoát khỏi địa ngục trần gian, nơi đã giam hãm tuổi thanh xuân, nơi đã rút mòn, rút kiện sức lao động của Mị, nơi đã chôn vùi quyền sống, quyền tự do, quyền con người.
Mị chạy là để cứu mình để giải thoát cho cuộc đời khổ đau của mình. Mị nói: “A Phủ cho tôi đi với” – Người đàn bà hơn 1 lần muốn chết ấy giờ đây khẩn thiết mong được sống, mong được theo A Phủ bởi một nỗi kinh hoàng trước cái chết: ở đây thì chết mất. Đó chính là sự thức tỉnh trong tâm hồn Mị về khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt. Qua đây, Tô Hoài đã ca ngợi tình người, ca ngợi sức sống tiềm tàng, khát vọng sống, khát vọng tự do của con người. Dẫu trong hoàn cảnh khổ cực, sức sống ấy vẫn không thể nào bị tiêu diệt.
Hai đoạn trích ngắn nhưng đã phần nào cho ta thấy được sức sống tiềm tàng, khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt trong con người Mị. Và qua đây cũng cho chúng ta thấy cách nhìn người của một nhà văn – nhà văn Tô Hoài. Đó là sự tinh tế có tính khám phá, phát hiện; cách nhìn cảm thông thấu hiểu; trân trọng yêu thương và cảm phục trước sức sống mạnh mẽ. Đó chính là cách nhìn đầy tin yêuvào phẩm chất tốt đẹp của con người. Cách nhìn ấy được chi phối bởi thời đại mà nhà văn sống nhưng đó cũng là cách nhìn lạc quan mà mọi thời đại nên lấy đó làm gương.
Hai đoạn trích được trích từ “Vợ chồng A Phủ” trên tuy ngắn nhưng đã cho ta một cái nhìn khái quát về Mị, một người con gái với sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Và qua đó là các nhìn nhận con người của tác giả Tô Hoài: cái nhìn tinh tế, có tính khám phá, phát hiện; cách nhìn cảm thông thấu hiểu; trân trọng yêu thương và cảm phục.
đọc thêm: Đề thi Vợ Chồng A Phủ theo hướng mới 2023 (Đề thi Vợ Chồng A Phủ)
Originally posted 2020-02-14 17:00:22.
Để lại một phản hồi