Đề bài:Có ý kiến cho rằng sông hương mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình:Về hình tượng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường”, có ý kiến cho rằng:
“ Sông Hương mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình.”
Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên bằng việc cảm nhận hai đoạn văn sau:
“Phải nhiều thế kỷ qua, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng những khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó”
Và: “Và rồi,như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông – tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế,nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây;và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu
Bài làm:
Dẫn dắt đến ý kiến trên
Nếu như nhà thơ Thu Bồn dùng những vần thơ của mình để viết về sông Hương rất mơ mộng:
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
thì Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người con yêu da diết xứ Huế mộng mơ lại dùng ngòi bút đầy cảm hứng và tài hoa để viết nên bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, truy tìm về cội nguồn và khám phá vẻ đẹp của dòng sông đã trở thành biểu tượng không tách rời với Huế. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng đánh giá: “Dù ở điểm nhìn nào thì trong con mắt của Hoàng Phủ Ngọc Tường dòng sông Hương cũng hiện lên như một cô gái đẹp – không phải cái đẹp chung chung mà là vẻ đẹp của cô gái Huế với cái duyên dáng và mang tâm hồn riêng của Huế” Đó chính là vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình, dễ dàng cảm nhận thấy qua hai đoạn văn miêu tả dòng sông.
Làm sáng tỏ ý kiến trên
Là một trong những nhà văn Việt Nam hiện đại chuyên viết bút kí, lại có vốn am hiểu sâu rộng về các lĩnh vực lịch sử, địa lí, văn hóa, Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc nhờ phong cách sáng tác có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều trên nền tảng vốn hiểu biết có sẵn. Ai đã đặt tên cho dòng sông là bài bút kí được ông viết năm 1981 tại Huế, in trong tập sách cùng tên, từ cách đặt nhan đề, ta đã thấy được sự tài tình của tác giả, một câu hỏi tu từ vừa gợi sự lôi cuốn, vừa thôi thúc người đọc tìm lời giải đáp.
Sông hương mang một vẻ đẹp bí ẩn khó nắm bắt như chính tác giả đã thừa nhận trong tác phẩm Sử thi buồn “Sông Hương như một nỗi hoài vọng về một cái đẹp nào đó chưa đạt tới”, chính vì vậy nhà văn phải lội ngược dòng con sông, trở về với nguồn cội, để khám phá ra vẻ đẹp hoang sơ phóng khoáng của nó, để rồi lại ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu
dàng đầy nữ tính của sông Hương khi nó chảy về tới cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, nó được ví von như một người con gái đẹp ngủ mơ màng, đợi chờ người tình tiền định đến đánh thức bởi một nụ hôn ngọt ngào, một hành trình tìm kiếm có ý thức tình yêu đích thực nhuốm đầy màu sắc cổ tích. Bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, sông Hương ra khỏi vùng núi mang theo vóc dáng và sức sống mới, khỏe khoắn và bạo dạn, biến hóa linh hoạt hơn.
Đọc thêm: So sánh hai đoạn văn trong Người lái đò sông Đà
Nó “chuyển dòng liên tục”, “vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật đẹp”, những đường nét uốn lượn của con sông dưới ngòi bút miêu tả tài ba và ngôn ngữ chọn lọc tinh tế của tác giả hiện lên thật duyên dáng, linh hoạt và rạo rực như tuổi trẻ trên con đường đến với người tình trong mơ – thành phố tương lai của nó.
Sông Hương còn mang vẻ đẹp của cô gái rất mực đa tình, khi ra khỏi thành phố Huế, dòng sông bỗng đột ngột đổi dòng, “như sực nhớ ra một điều gì đó”, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để “gặp thành phố một lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ”, chẳng ai lỡ trách dòng sông khi nó chỉ muốn lưu luyến người tình ngàn năm thêm một chút trước khi “chia tay dõi xa mười dặm trường đình”.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, với dòng sông đang xuôi chảy giữa cánh đồng êm ái không hề có thứ gì tác động hay ngăn cản, khúc quanh này thật sự là một bất ngờ, nhà văn cảm thấy “có gì đó rất lạ và rất giống con người ở đây” và ông gọi đó là “nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”. “Lẳng lơ” ở trường hợp này không hề mang nghĩa tiêu cực, nó ngược lại thể hiện một tấm lòng rất chung thủy và dịu dàng e ấp của thứ tình cảm chân thành gắn bó.
Sự quay trở lại đầy lưu luyến bịn rịn này ví như nàng Kiều trở lại tìm Kim Trọng để nói lời thề ước trước lúc chia xa. Hành trình từ rừng già hoang sơ hùng vĩ về tới vùng châu thổ êm đềm không hề ngắn, vậy mà mới đó đã phải chia xa, hỏi làm sao con sông không bịn rịn tiếc nuối mà cố tìm cách nán lại thêm đôi chút trước khoảnh khắc biệt li.
Đọc thêm: 5 đoạn nghị luận xã hội 200 chữ hay nhất học ngay kẻo lỡ
Người con gái trong tình yêu cũng vậy, với tâm hồn mong manh dễ xúc động, họ luôn muốn được kéo dài từng giây được ở cạnh người tình, thậm chí nếu có thể là mãi mãi chẳng chia xa.
Khẳng định lại ý kiến trên
Trong mối quan hệ với thi ca, sông Hương chưa bao giờ tự lặp lại mình với các nghệ sĩ, nó xuất hiện trong cảm nhận mỗi người đều có một nét đẹp riêng biệt không pha tạp. Dưới bút pháp nghệ thuật độc đáo, tài ba và phong tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện lên mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình, một vẻ đẹp để thương để nhớ trong lòng những kẻ đi xa.
Originally posted 2019-04-29 16:28:44.
Để lại một phản hồi