Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
Đề bài: phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân”(Áp dụng sơ đồ tư duy hoàn chỉnh ở phần 1 )
XEM THÊM: Hai Đứa Trẻ (phần 1): Phân tích tác phẩm bằng sơ đồ tư duy
a/ Mở bài
Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam cả trước và sau Cách mạng. Được mệnh danh là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã thổi hồn vào những trang viết mang đến cho người đọc bao hình tượng đẹp. Và nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” cũng là một hình tượng đặc sắc, mang vẻ đẹp tài hoa và khí phách anh hùng. lẫm liệt, khiến mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên.
b/ Thân bài
1. Tác giả, tác phẩm
1.1. Tác giả Nguyễn Tuân(1910 – 1987) quê ở làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân học hết bậc thành trung, sau đó làm nghề viết văn làm báo. Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân đã đi theo và phục vụ cách mạng, dùng ngòi bút của mình để phụng sự cho sự nghiệp cứu nước. Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa suốt đời đi tìm cái đẹp. Trong suốt cuộc đời mình, Nguyễn Tuân không ngừng tìm kiếm, khám phá thêm những nét đẹp mới, làm giàu có hơn vốn từ vựng tiếng Việt. Ngôn ngữ của Nguyễn Tuân nhiều màu sắc, đa thanh, có khả năng gợi cảm, gợi hình. Con người say mê cái đẹp ấy lại rất nặng lòng với quê hương đất nước, với những giá trị thẩm mĩ, giá trị văn hóa tinh thần dân tộc..
2. Tác phẩm
“Chữ người tử tù” là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Tuân, được in trong tập “Vang bóng một thời” viết năm 1938 đăng trên tạp chí Tao Đàn. “Chữ người tử tù” dựng lên một thế giới giới tối tăm, tù ngục trong đó kẻ tiểu nhân, bọn độc ác bất lương làm chủ. Trên cái tăm tối ấy hiện lên ba đốm sáng lẻ loi, cô đơn: Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại – những con người có tài và biết trong tài, có nghĩa khí và biết trong nghĩa khí. Họ tình cờ gặp nhau trong một tình thế oái oăm, từ chỗ ngờ vực nhau, đối địch nhau, dần dần đi đến hiểu nhau và trở thành tri kỉ. Chính tình huống độc đáo này đã nổi bật vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao và làm sáng rõ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục, đồng thời cũng thể sâu sắc chủ đề tác phẩm.
2. Phân tích nhân vật Huấn Cao
2.1. Nguyên mẫu
Hình tượng nhân vật Huấn Cao được xây dựng trên nguyên mẫu là Cao Bá Quát – một nhà Nho kiệt xuất, nghệ sĩ tài hoa và khí phách, nhà thơ tài năng với tâm hồn phóng khoáng nhạy cảm với cái mới, cái lạ, nổi tiếng một thời. Cao Bá Quát chính là người anh hùng đa tài, từng tham gia cuộc khởi nghĩa của nông dân do Lê Duy Cự cầm đầu năm 1854 sau bị giết và bị triều đình Tự Đức ra lệnh tru di tam tộc. Từ nguyên mẫu Cao Bá Quát, nhà văn xây dựng nhân vật Huấn Cao bằng bút pháp lãng mạn mà chủ yếu là nghệ thuật phóng đại lý tưởng hóa để sáng tạo nên một hình tượng mang vẻ đẹp lý tưởng. Từ chọn lọc và tổng hợp để xây dựng một mẫu người đại diện cho chủ nghĩa yêu nước và nhân văn theo kiểu Nguyễn Tuân: mẫu người khí phách hài hòa thiên lương. Nhưng vượt lên trên khuôn mẫu có thực ấy, Huấn Cao trong tác phẩm của Nguyễn Tuân là một hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ.
XEM THÊM: Hai Đứa Trẻ (phần 2): Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Hai đứa trẻ”
2.2. Huấn Cao –nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp
Viết chữ đẹp là một nghệ thuật mang đậm văn hóa, bản sắc dân tộc. Chữ được viết ở đây thường là chữ Hán được trình bày trên khung lụa hoặc giấy theo nhiều kiểu, được treo trong nhà như một bức tranh đẹp. Nét cơ bản trong phong cách nghệ sĩ của Nguyễn Tuân là luôn nhìn nhận con người ở phẩm chất nghệ sĩ tài hoa. Các nhân vật trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân đều là những con người tài hoa, tài tử và hình ảnh Huấn Cao trong thế giới ấy rực sáng như một đại diện tiêu biểu nhất.
Với bút pháp lý tưởng hóa, Nguyễn Tuân đã khắc họa nhân vật Huấn Cao, một con người mang phẩm chất tài hoa siêu việt, người đứng đầu nghệ thuật thư pháp. Tài năng của Huấn Cao được nhà văn ca ngợi bằng nhiều cách, khi thì gián tiếp: “Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp đó không?, khi thì trực tiếp miêu tả: Người khắp vùng tỉnh Sơn khen người tử tù có tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp, có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời, chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm. Nhưng nét độc đáo ở con người tài hoa ấy là chữ Huấn Cao in đậm dấu ấn nhân cách của người viết: “Những nét chữ vuông vắn, tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.
Chữ của họa sĩ thư pháp bình thường chỉ phản chiếu một phương diện của phẩm chất tài hoa, chữ của Huấn Cao khác biệt hơn ở chỗ bộc lộ tính cách và phẩm giá của con người. Và vì những dòng chữ ấy mà ngục quân đã bất chấp mọi nguy hiểm dám đánh đổi tính mạng của mình để biệt đãi một người tù có tiếng là nguy hiểm của triều đình. Sự nhẫn nại, quyết tâm và lòng dũng cảm của viên quản ngục thể hiện giá trị của cái đẹp trong từng con chữ của Huấn Cao.
Cái tài viết chữ đẹp của người tử tù được lưu truyền trong dân gian như một huyền thoại đã vang vọng đến cả chốn tù ngục – nơi thường chỉ dành cho cái ác và cái xấu. Nét chữ của Huấn Cao đẹp đến nỗi làm người ta có thể đặt cao hơn sinh mạng và danh dự. Nét đẹp ấy có ý nghĩa vô cùng lớn với cuộc đời tồn tại vì con người.
Không phải ngẫu nhiên, trong khi giới thiệu Huấn Cao, con người nổi tiếng về tài nghệ thư pháp, tác giả bỗng để cho nhân vật thơ lại trầm trồ về cái tài bẻ khóa, vượt ngục của Huấn Cao, chi tiết này phải được hiểu như một cách thể hiện độc đáo, đẩy lên cao độ phẩm chất nghệ sĩ tài hoa của nhân vật.
Huấn Cao không mang trong mình phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của một kiểu người nghệ sĩ tài hoa thông thường, con người ấy đích thực là một đấng tài hoa siêu việt, chọc trời khuấy nước. Đó là người anh hùng Có tài”phá cũi sổ lồng” mà cũng lại là người nghệ sĩ có tài thảo nên những nét chữ phượng múa rồng bay.
Huấn Cao là một nhân vật đặc biệt của đời văn Nguyễn Tuân. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện thái độ trân trọng, ngưỡng mộ đối với phẩm chất tài hoa của con người, bởi thế ngay từ những dòng đầu của thiên truyện Nguyễn Tuân đã dành để ngợi ca tài năng của nhân vật chính.
2.3. Huấn Cao -người có tâm hồn trong sáng, cao đẹp.
Nguyễn Tuân miêu tả Huấn Cao như người nghĩa sĩ có phẩm chất “Vô úy” và một con người mang vẻ đẹp thiên lương trong sáng. Huấn Cao với tài năng viết chữ đẹp thiên bẩm nhưng ông không phải người dễ dàng cho chữ. Cả đời mình Huấn Cao mới chỉ viết một bức trung đường và hai bộ tứ bình cho những tri kỉ. Lẽ sống của ông “nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
Huấn Cao chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và yêu quý cái đẹp. Ban đầu, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều vì tưởng rằng viên quản ngục này cũng giống như bao quan ngục khác chỉ biết sống bằng lừa lọc và tàn nhẫn. Ông đã từng tỏ ra khinh miệt đến tàn nhẫn để chứng tỏ cái khí phách không biết sợ quyền uy và cái chết của mình: “Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng đặt chân vào đây”.
Nhưng khi nhận ra quản ngục bên ngoài khoác áo ngục quan mà bên trong mang tấm lòng biết quý cái tài, cái tâm, cái khí phách và cái đẹp thì chính ông lại đổi hẳn thái độ: “Ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.
Con người không sợ cái chết, không cúi đầu trước quyền uy, danh vọng nhưng lại sợ phụ tấm lòng của người khác. Huấn Cao khí phách hiên ngang nhưng không lạnh lùng xa lạ bởi tấm lòng và tình người đáng trân trọng. Huấn Cao không phải người dễ dàng cho Chữ nhưng trước sở thích cao quý và tấm lòng của viên quản ngục, ông không những nhận lời để lại những nét chữ cuối cùng của cuộc đời mình mà còn day dứt, ân hận.
Chỉ Có tấm lòng chân thành, thái độ trân trọng cái tài, cái đẹp mới là những điều có thể khuất phục được Huấn Cao. Cho chữ viên quản ngục tức là Huấn Cao đã coi ngục quan là tri kỉ của mình. Huấn Cao không chỉ là người có cái tâm mà còn là người hệ lụy bởi chữ tâm. Những người có tâm trên đời thì không chỉ biết trong cái tâm của người khác mà còn rất sợ mình phụ tấm lòng dù chỉ là người trong thiên hạ.
Đây là nét đẹp tự nhiên trời phú để người có tâm trở nên là một nhân cách mà thời bấy giờ người ta vẫn gọi là thiên lương. Phẩm chất đó khiến ta không ngạc nhiên khi Huấn Cao không chỉ cho chữ mà còn khuyên quản ngạc những lời chí tình như đối với một tri âm: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. ở đây, khó giữ cho thiên lương lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc cái đời lương thiện đi”.
Vẻ đẹp thiên lương của Huấn Cao Còn thể hiện ở tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với cái đẹp và cuộc đời của một kẻ “làm giặc”, chống lại triều đình phong kiến tàn bạo, Huấn Cao đương nhiên phải chịu đựng bao thử thách, gian truân và cuộc sống khắc nghiệt nơi chiến địa, rồi bao tra tấn, đọa đày ở chốn lao tù. Những tâm hồn của người tù ấy vẫn không hề khô cứng trước cái đẹp.
Án tử hình treo lơ lửng trên đầu, thậm chí ngay cả khi biết rằng sau buổi sáng ngày hôm sau mình đã không còn sống trên đời nữa nhưng Huấn Cao đã thực sự rung động bởi hương mực, đắm chìm trong cái khí tiết tinh túy của tinh thần:”Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?” Những lời nhận xét tinh tế, đồng thời cũng là những lời chia sẻ vốn chỉ dành cho bạn bè tri kỉ, tâm đắc trên đời.
2.4. Huấn Cao – một anh hùng có khí phách hiên ngang
Hình tượng Huấn Cao gây ấn tượng mạnh bởi ông không chỉ là một con người mang phẩm chất tài hoa mà còn là con người mang nét đẹp của khí phách với tính cách ngang tàng, ngạo nghễ. Huấn Cao đã từng đứng đầu một cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Ông luôn có lý tưởng sống cao cả, dám hi sinh hạnh phúc riêng vì sự nghiệp lớn.
Hình ảnh của Huấn Cao khiến ta nghĩ nhiều đến người anh hùng Từ Hải trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Dư: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”Đến cả khi bị bắt giam, Huấn Cao vẫn phải khiến thầy thơ lại không khỏi lo lắng: “Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm giữ nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe người ta đồn Huấn Cao ngoài cái tài viết chữ lại còn có cái tài bẻ khóa và vượt ngục nữa không?”
Huấn Cao vẫn nguyên vẹn khí phách thuở bình sinh mà có lẽ chưa một tù nhân nào dám làm. Động tác dỗ gông lạnh lùng, mạnh mẽ:”chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá đánh thuỳnh một cái”.
Huấn Cao lạnh lùng, thái độ không thèm để ý gì, không thèm chấp câu nói của tên lính áp giải tù nhân. Ông đã trút tất cả sự giận duy khinh bỉ của mình đối với bọn lính vào hành động thúc gông xuống nền đá đánh thuỳnh một cái. Hành động đó chỉ có ở con người không hề tỏ ra run sợ trước sự đe dọa của kẻ giữ tù. Mấy tiếng pháp trường không làm ông run sợ. Dũng khí ấy ai hơn? Tư thế mắng quản ngục oai phong như khi ra lệnh:”Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều.
Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây” Cốt cách ung dung, tự tại thể hiện ở cách ăn uống như người làm chủ nhà lao: “thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng bình lúc chưa bị giam cầm. “Có mấy ai, trước cái chết đã được báo trước chỉ còn tính từng ngày có được bản lĩnh đó?”
Khí phách của Huấn Cao còn thể hiện ở tư thế viết chữ phóng túng, vô hiệu hóa thế lực của nhà tù. Mặc dù cố đeo gông, chân vướng xiềng những nét bút vẫn thể hiện những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Huấn Cao ở trong một hoàn cảnh đặc biệt khi mà quyền tự do không có, quyền sống cũng không còn, đang phải đối mặt với cái chết chỉ qua quãng thời gian ngắn ngủi tính bằng ngày đêm nhưng chưa một phút giây nào con người ấy tỏ ra sợ hãi cái chết hay một thứ quyền lực vô hình nào.
Người xưa có câu”Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” nhưng có lẽ điều đó là không đúng với Huấn Cao. Từ khi cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình cho đến khi trở thành một tử tù đang chờ đợi cái chết, Huấn Cao vẫn giữ nguyên một tư thế hiên ngang, một phong thái đĩnh đạc, đường hoàng, một nét ngông của một con người có bản lĩnh và khí phách.
3. Đánh giá
3.1. Nội dung
Huấn Cao là một nhân vật đặc biệt trong suốt đời văn Nguyễn Tuân. Trong suốt hành trình đi tìm cái đẹp, nhà văn đã bắt gặp một Huấn Cao – một người nghệ sĩ tài hoa chân chính, một anh hùng đội trời đạp đất hiếm thấy trong thiên hạ. Huấn Cao là một tử tù đặc biệt không chỉ của riêng viên quản ngục mà với tất cả mọi người bởi ở con người ấy hội tụ tất cả những vẻ đẹp cao quý, tài năng, khí phách, thiên lương. Đó là một vẻ đẹp uy nghi, rực rỡ hiếm có trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, là một “Ngôi sao chính vị” trong truyện ngắn này.
3.2 Nghệ thuật
Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng bằng bút pháp và cảm hứng lãng mạn, mang vẻ đẹp lý tưởng hóa vừa là một nghệ sĩ tài hoa vừa là một anh hùng hào kiệt. Nhân vật được đặt trong tư thế đối lập với hoàn cảnh và vị thế để tỏa sáng như ngôi sao giữa bầu trời đêm. Nhà văn cũng đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống đặc biệt, là sự gặp gỡ kì lạ giữa viên quản ngục và tử tù để nhân vật tự bộc lộ tính cách, phẩm chất.
c/ Kết bài
Nhân vật Huấn Cao với những phẩm chất đẹp đẽ, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân là biểu tượng cho sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái tâm trước cái phàm tục dơ bẩn, của khí phách ngang tàng trước thói quen nô lệ. Đây là lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn, là ý nghĩa tư tưởng của hình tượng. Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân cũng gián. tiếp bộc lộ tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc thầm kín của mình.
XEM THÊM:Nhớ kĩ cách làm 10 câu hỏi này bạn sẽ cân được mọi bài đọc hiểu(Phần 2)
XEM THÊM:Nhớ kĩ cách làm 10 câu hỏi này bạn sẽ cân được mọi bài đọc hiểu(Phần 1)
Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao
Originally posted 2018-08-03 02:07:00.
Để lại một phản hồi