Kiến thức trọng tâm Rừng xà nu
Hoàn cảnh sáng tác
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, đất nước chia làm hai miền. Kẻ thù phá hoại hiệp định, khủng bố, thảm sát, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng rơi vào thời kì đen tối.
Đầu năm 1965, Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Nguyễn Trung Thành và các nhà văn miền Nam lúc đó muốn viết “hịch thời đánh Mĩ”. Rừng xà nu được viết vào đúng thời điểm mà cả nước ta trong không khí sục sôi đánh Mĩ. Tác phẩm được hoàn thành ở khu căn cứ của chiến trường miền Trung Trung bộ.
Mặc dù Rừng xà nu viết về sự kiện nổi dậy của buôn làng Tây Nguyên trong thời kì đồng khởi trước 1960 nhưng chủ đề tư tưởng của tác phẩm vẫn có quan hệ mật thiết với tình hình thời sự của cuộc kháng chiến lúc tác phẩm ra đời.
Tóm tắt tác phẩm
Tác phẩm viết về làng Xô Man và núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ba năm xa làng đi bộ đội giải phóng, Tnú trở về thăm quê, làng Xô Man bất khuất kiên cường nằm giữa rừng xà nu bạt ngàn của Tây Nguyên. Trong một buổi tối sum họp của làng, cụ Mết đã kể lại cho dân làng nghe về một trang sử bi thương mà hùng tráng của làng nó gắn với cuộc đời Tnú. Làng Xô Man trong những năm đen tối của Cách Mạng, là một căn cứ bí mật vững chắc nuôi dấu cán bộ. Lúc ấy, Tnú và Mai còn nhỏ nhưng đã góp phần tích cực vào việc chở che nuôi dấu cán bộ. Lớn lên, hai người thành vợ chồng. Tnú trở thành người lãnh đạo dân làng đánh giặc. Tin làng Xô Man “mài giáo mác chuẩn bị khởi nghĩa bay đến tai quân giặc”, chúng cho quân đến vây quét. Cụ Mết và Tnú, cùng thanh niên rút ra ngoài rừng. Giặc dùng mọi cách khủng bố uy hiếp tinh thần dân chúng. Để hòng dụ dỗ Tnú đầu hàng, chúng bắt vợ và con anh hành hạ. Núp trong rừng, chứng kiến cảnh vợ con bị đánh đập dã man, Tnú sôi sục căm thù đến mức không còn tỉnh táo được nữa, đã nhảy xổ ra chém giết lũ giặc. Nhưng anh cũng không cứu được vợ con mình. Anh bị giặc bắt trói, tẩm nhựa xà nu đốt cháy mười đầu ngón tay trước mắt dân làng, hòng uy hiếp “ mộng cầm giáo mác” của họ. Tnú kiên cường, cắn răng chịu đựng không hề khuất phục. Căm thù tột độ, cả khối người đã vùng lên đánh gục kẻ thù “Cả làng Xô Man ào ào rung động và lửa cháy khắp rừng”. Câu chuyện khép lại bằng cảnh cụ Mết và Dít tiễn đưa Tnú trở lại đơn vị ở nơi cửa rừng xà nu tràn trề sức sống vượt lên trên sự huỷ diệt của bom đạn như làng Xô Man bất khuất kiên trung.
Cốt truyện và bố cục
Rừng xà nu được kể theo một lần về thăm làngcủa Tnú sau 3 năm đi bộ đội. Đêm ấy, dân làng quây quần bên bếp lửa nhà rông nghe cụ Mết kể lại câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú và cuộc đời làng Xô Man.
Rừng xà nu là sự lồng quyện hai cuộc đời: cuộc đời Tnú và cuộc đời làng Xô Man. Hai cuộc đời ấy đều đi từ bóng tối đau thương ra ánh sáng của chiến đấu và chiến thắng, đi từ hai bàn tay không đến hai bàn tay cầm vũ khí đứng lên dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng.
Cốt truyện Rừng xà nu căng ra trong xung đột quyết liệt một mất một còn giữa một bên là nhân dân, một bên là kẻ thù Mĩ – Diệm. Xung đột ấy đi theo tình thế đảo ngược mà thời điểm đánh dấu là lúc ngọn lửa của lòng căm thù ngùn ngụt cháy trên 10 đầu ngón tay Tnú.
Ý nghĩa nhan đề
Nhà văn có thể đặt tên cho tác phẩm của mình là “làng Xô Man” hay đơn giản hơn là “Tnú” – nhân vật chính của truyện. Nhưng nếu như vậy tác phẩm sẽ mất đi sức khái quát và sự gợi mở.
Đặt tên cho tác phẩm là Rừng xà nu dường như đã chứa đựng được cảm xúc của nhà văn và linh hồn tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Hơn nữa, Rừng xà nu còn ẩn chứa cái khí vị khó quên của đất rừng Tây Nguyên, gợi lên vẻ đẹp hùng tráng, man dại – một sức sống bất diệt của cây và tinh thần bất khuất của người.
Bởi vậy, Rừng xà nu mang nhiều tầng nghĩa bao gồm cả ý nghĩa tả thực lẫn ý nghĩa tượng trưng. Hai lớp ý nghĩa này xuyên thấm vào nhau toát lên hình tượng sinh động của xà nu, đưa lại không khí Tây Nguyên rất đậm đà cho tác phẩm.
Kiến thức trọng tâm
Cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man
Cuộc đời Tnú gắn liền với cuộc đời làng Xô Man. Âm hưởng sử thi chi phối tác giả trong khi xây dựng nhân vật này. Tnú có cuộc đời tư nhưng không được quan sát từ cái nhìn đời tư. Tác giả xuất phát từ vấn đề cộng đồng để phản ánh đời tư của Tnú.
Phẩm chất, tính cách của người anh hùng:
– Gan góc, táo bạo, dũng cảm, trung thực (khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết).
– Lòng trung thành với cách mạng được bộc lộ qua thử thách (bị giặc bắt, tra tấn, lưng Tnú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành).
– Số phận đau thương: không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đốt đầu ngón tay).
– Quật khởi đứng dậy cầm vũ khí tiêu diệt bọn ác ôn.
- “Tnú không cứu được vợ con”- cụ Mết nhắc tới 4 lần để nhấn mạnh: khi chưa cầm vũ khí, Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người thương yêu nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói đó của cụ Mết đã khắc sâu một chân lí: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất.
Chân lí cách mạng đi ra từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, của những người thương yêu nên chân lí ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.
Số phận của người anh hùng gắn liền với số phận cộng đồng. Cuộc đời Tnú đi từ đau thương đến cầm vũ khí thì cuộc đời của làng Xô Man cũng vậy.
– Khi chưa cầm vũ khí, làng Xô Man cũng đầy đau thương: Bọn giặc đi lùng như hùm beo, tiếng cười “sằng sặc” của những thằng ác ôn, tiếng gậy sắt nện “hù hự” xuống thân người. Anh Xút bị treo cổ. Bà Nhan bị chặt đầu. Mẹ con Mai bị chết rất thảm. Tnú bị đốt 10 đầu ngón tay.
– Cuộc sống ngột ngạt dòn nén đau thương, căm thù. Đên Tnú bị đốt 10 đầu ngón tay, làng Xô Man đã nổi dậy “ào ào rung động”, “xác mười tên giặc ngổn ngang”, tiếng cụ Mết như mệnh lệnh chiến đấu: “Thế là bắt đầu rồi, đốt lửa lên!”
Đó là sự nổi dậy đồng khởi làm rung chuyển núi rừng. Câu chuyện về cuộc đời một con người trở thành câu chuyện một thời§, một nước. Như vậy, câu chuyện về cuộc đời Tnú đã mang ý nghĩa cuộc đời một dân tộc. Nhân vật sử thi của Nguyễn Trung Thành gánh trên vai sứ mệnh lịch sử to lớn.
Các nhân vật: cụ Mết, Mai, Dít, Heng
Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng là sự tiếp nối các thế hệ làm nổi bật tinh thần bất khuất của làng Xô Man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.
Cụ Mết “quắc thước như một cây xà nu lớn” là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh tập hợp để nổi dậy đồng khởi.
Mai, Dít là thế hệ hiện tại. Trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.
Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
Dường như cuộc chiến khốc liệt này đòi hỏi mỗi người Việt Nam phải có sức trỗi dậy của một Phù Đổng Thiên Vương.
Chủ đề tác phẩm
Chủ đề tác phẩm được phát biểu trực tiếp qua lời cụ Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, tức là phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là con đường giải phóng dân tộc của thời đại cách mạng.
Đặc sắc nghệ thuật
Khuynh hướng sử thi thể hiện đậm nét ở tất cả các phương diện: đề tài, chủ đề, hình tượng, hệ thống nhân vật, giọng điệu,…
Cách thức trần thuật: kể theo hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể ” khan” sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, những bài “khan” được kể như những bài hát dài hát suốt đêm.
Cảm hứng lãng mạn: tính lãng mạn thể hiện ở cảm xúc của tác giả bộc lộ trong lời trần thuật, thể hiện ở việc đề cao vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong sự đối lập với sự tàn bạo của kẻ thù.
Kết luận
Qua truyện gắn Rừng xà nu, ta nhận thấy đặc điểm phong cách sử thi Nguyễn Trung Thành: hướng vào những vấn đề trọng đại của đời sống dân tộc với cái nhìn lịch sử và quan điểm cộng động.
Rừng xà nu là thiên sử thi của thời đại mới. Tác phẩm đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: phải cầm vũ khí đứng lên tiêu diệt kẻ thù bạo tàn để bảo vệ sự sống của đất nước, nhân dân.
Kiến thức trọng tâm Rừng xà nu
Originally posted 2019-01-26 08:09:35.
Để lại một phản hồi