So sánh hai đoạn văn trong Người lái đò sông Đà

so sánh 2 đoạn văn trong người lái đò sông đà
so sánh 2 đoạn văn trong người lái đò sông đà

Đề Bài: So sánh hai đoạn văn trong Người lái đò sông Đà:

Nhà văn Ernest Hemingway đã từng chia sẻ: “Con người không phải lúc nào cũng coi thiên nhiên là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn vừa là đối thủ.”
Cảm nhận của anh/chị về hai nét tính cách hung bạo và trữ tình của dòng Sông Đà trong đoạn văn sau và làm rõ ý kiến trên.

“… Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông.”

Và: “Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chố thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.”

(Trích Người lái đò sông Đà, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2015)

Dàn Ý Chi Tiết

Mở bài người lái đò sông đà

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
  • Dẫn dắt đến vấn đề nghị luận.

Đọc thêm: 3 Đề đọc hiểu ngữ văn 12 có đáp án chi tiết

Thân bài người lái đò sông đà

Khái quát vấn đề

– Nguyễn Tuân (1910 – 1987) quê ở Hà Nội, xuất thân trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1930, nổi tiếng từ 1938 với những tác phẩm có phong cách độc đáo. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Nguyễn Tuân để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa.

– Tuỳ bút Người lái đò sông Đà rút từ tập tuỳ bút Sông Đà (1960), thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn.

Cảm nhận về đoạn văn số 1

– Vẻ đẹp hung dữ của sông Đà qua tiếng nước thác

+ Nguyễn Tuân nhìn con Sông Đà như một người có cá tính, có linh hồn và có cả tâm trạng, lúc “ặc ặc giận dữ”, lúc “oán trách”, lúc “van xin”, rồi lại như khiêu khích, giọng gằn và chế nhạo. Giọng điệu đa dạng, kì bí, không lặp lại của sông Đà trong một khuông nhạc dữ dội. Mỗi khoảnh khắc lắng tai nghe lại có những thanh âm khác nhau. Tác giả còn tạo liên tưởng như một cuộc đối thoại của con người trong một cuộc chiến đầy áp đảo của thế lực thiên nhiên hoang dã đang áp đảo một đối tượng nhỏ bé nào đó. Nghệ thuật nhân hóa đã khiến thác nước sông Đà thực sự trở thành một sinh thể sống đang giận dữ, gầm gào, đe dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Hệ thống những từ ngữ miêu tả âm thanh theo những cung bậc tăng dần cả về sắc thái cảm xúc và âm lượng để vừa miêu tả sống động sự đe dọa hung bạo của dòng sông.

đọc thêm: Phân tích bức tranh Việt Bắc trong hai đoạn thơ trên để làm nổi bật cảm xúc thơ Tố Hữu

+ Nhà văn sử dụng những liên tưởng độc đáo: tiếng thác (rống) – tiếng trâu mộng (lồng lộn) – tiếng rừng lửa (gầm thét). Âm thanh thác được động vật hóa thành tiếng gầm “trâu mộng”, lấy thác lửa (hỏa) để liên tưởng với rừng lửa cháy rừng rực để tạo ra một bất ngờ thẩm mĩ. Từ đó tăng cường các cảm giác của người đọc, khơi gợi tưởng tượng về sức mạnh hoang dã của thiên nhiên như một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử.

–> Nguyễn Tuân còn chạm bút tới cái hút nước một lần nữa: “nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Hai chữ “ặc ặc” mô phỏng rất tài thứ âm thanh quái vật, khiến sông Đà như loài thủy quái bị bóp cổ đang quằn quại.

– Vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của sông Đà qua thạch trận bờ sông:

+Sông Đà “bày thạch trận trên sông”. Sông Đà còn lắm mưu nhiều kế bày bao nhiêu mẹo lược và sự nham hiểm để sẵn sàng bóp chết con người. Bằng thủ pháp nhân hóa, người đọc nhận ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri. Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để thổi hồn vào từng thớ đá: “Cả một chân trời đá mặt hòn nào trông cũng “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó” -> Những hòn đá vô tri vô giác nhưng qua cái nhìn của Nguyễn Tuân chúng mang vẻ du côn của thiên nhiên hoang dại và hung dữ với ba trùng vi thạch trận.

So sánh hai đoạn văn trong Người lái đò sông Đà
so sánh 2 đoạn văn trong người lái đò sông đà

+ Tác giả vận dụng kiến thức của nhiều ngành nhiều lĩnh vực để khắc họa khung cảnh đối đầu giữa Sông Đà và ông lái đò: lịch sử, địa lí, quân sự, võ thuật, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Những kiến thức liên ngành đa dạng ấy tạo bề dày uyên bác trong vốn tri thức của nhà văn, nâng cho đôi cánh tài hoa bay bổng.

–> Con sông Đà hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một của con người”. Nhưng cũng chính từ hình ảnh con sông ấy lại là kẻ tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, tài tử và cực kì uyên bác của một ngòi bút số một về thể loại tùy bút.

Đoạn văn số 2

– Vẻ đẹp gợi cảm của sông Đà:

– Trong niềm yêu nhớ của Nguyễn Tuân, sông Đà “gợi cảm” như một “cố nhân”. Hai chữ “cố nhân” vừa là hình ảnh nhân hóa dòng sông như một người bạn cũ xa nhớ gần yêu, vừa đưa đến cho dòng sông chút vương vấn, cổ kính, xưa cũ của Đường thi.

– Đoạn văn sau đó tràn ngập những cấu trúc so sánh đặc sắc để miêu tả dòng sông Đà gợi cảm và trước hết là để bộc lộ cảm xúc của con người khi sắp gặp lại dòng sông. Nhìn dòng sông thấy “loang loáng như trẻ con chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy” là cái nhìn của một người chưa ra tới cửa rừng, mới chỉ nhìn thấy dòng sông lấp lóa nắng thấp thoáng ẩn hiện giữa những vạt cây mà đã háo hức, bồn chồn, đã vội vàng, khao khát…

– Khi liên tưởng mặt sông giống như “cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi”, Nguyễn Tuân đã đem đến cho sông Đà vẻ lãng mạn của hoa khói, sự trong sáng rực rỡ của sắc xuân, tỏa ra từ câu thơ vời vợi nhớ nhung được coi là “thiên cổ lệ cú” của Lý Bạch: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Liên tưởng của nhà văn đã làm xao xuyến những tâm hồn chưa hề nguôi nỗi tiếc nuối nhớ nhung với những phong vị Đường thi cổ điển, để rồi nỗi xao xuyến ấy mơ hồ lan tỏa trên dòng sông gợi cảm, khiến sông Đà không chỉ chảy trong không gian, mà như còn tha thiết trong dòng thời gian miên viễn xa xăm của Đường thi.

Đọc thêm: 5 đoạn nghị luận xã hội 200 chữ hay nhất học ngay kẻo lỡ (tiếp)

– Sau đó là một câu văn chỉ nối tiếp các chủ ngữ: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”. Hai chữ “sông Đà” điệp lại cuối mỗi vế câu đẳng lập như nhịp lên niềm say mê phấn khích, như nhân lên những khoảng không gian phóng khoáng của bến bãi Đà giang, tạo cảm giác như nhà văn đang hân hoan ngợp giữa không gian sông Đà mênh mông để rồi say đắm òa vào những không gian ấy, không kịp bình tĩnh quan sát bằng lý trí, để miêu tả bằng những vị ngữ cụ thể, tất cả đều bị cuốn đi, dồn dập, gấp gáp theo nỗi khát khao.

– Cảm xúc gặp lại sông Đà được cụ thể hóa trong những so sánh bất ngờ thú vị: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Nắng tuy hữu hình nhưng lại là vô thể, chỉ có thể nhìn mà không thể nắm bắt, “giòn tan” là chính từ thường chỉ đặc điểm sắc thái của những vật thể mỏng manh dễ vỡ. Nắng “giòn tan” là một ẩn dụ đẹp gợi tả cái nắng thật trong, thật sáng, thật mỏng và thật nhẹ; nó vừa mong manh, vừa quý giá, nó tương phản hoàn toàn với cái u ám trĩu nặng của bầu trời những ngày “mưa dầm”, giúp người đọc dễ dàng hình dung cảm giác trìu mến, nâng niu của nhà văn khi gặp lại con sông. Và sự nối lại giấc mơ càng hy hữu hiếm quý bao nhiêu, càng đem lại cảm giác sung sướng, thú vị bấy nhiêu. Nhà văn của những khát khao đã nhiều lần tới sông Đà và bất cứ lúc nào nếu muốn, ông cũng có thể đến với người cố nhân của mình, vậy mà qua so sánh “vui như nối lại chiêm bao đứt quãng” có thể thấy cảm giác khi gặp lại dòng sông lần nào cũng tươi mới kỳ diệu như được nối lại một giấc mơ đẹp, lần nào cũng như được tận hưởng niềm vui chưa từng có trong đời, lần nào cũng như lần đầu tiên, cuối cùng và duy nhất.

– Và cuối cùng, trong hình ảnh so sánh về cảm giác gặp lại sông Đà, nó “đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân”, sông Đà đã thực sự trở thành người bạn cũ, một tri âm với bao kỷ niệm gắn bó trong quá khứ, bao nhớ thương trong hiện tại, bao chung thủy trong tương lai đến, một cố nhân trái tính mà vẫn có sức hấp dẫn đến lạ kỳ.

Đọc thêm: Special 4.6 là gì mà 3000+ bạn sở hữu và 2800+ bạn đạt trên 8 điểm kì thi THPT Quốc Gia

—> Nguyễn Tuân say mê miêu tả dòng sông với tất cả sự tinh tế của cảm xúc, và bằng một tình yêu thiết tha thiên nhiên đất nước. Lòng ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu tự hào về một dòng sông, một ngọn thác, một dòng chảy đã tạo nên những trang văn đẹp hiếm có – Nguyễn Tuân xứng đáng là một cây bút tài hoa bậc nhất của nền văn học Việt Nam.

Nhận xét

– Với Nguyễn Tuân con sông Đà không phải là một thực thể vô tri vô giác mà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân nó được thể hiện với những cá tính rõ nét. Đó là những tính cách độc đáo thể hiện qua sự hùng vĩ và thơ mộng.

+ Đoạn văn 1: là những hình ảnh đó của sông Đà hùng vĩ, bí hiểm hung bạo mà đầy những chông gai, thử thách là hiện thân của thứ kẻ thù luôn thách thức, tấn công và cực kì nguy hiểm với con người.

+ Đoạn văn 2: sông Đà không còn là con sông hung bạo hiểm trở, không còn là những thác nước cheo leo hay những bờ đá dựng đứng đầy hiểm trở mà con sông ở đây hiền hòa, gần gũi, trở thành người bạn thân thiết tri kỉ của con người.

Đọc thêm: So sánh vẻ đẹp khuất lấp của vợ nhặt và người đàn bà

– Cả hai đoạn văn đều thể hiện nét tài hoa của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật so sánh, sự độc đáo trong trí tưởng tượng phong phú, mà còn là một biểu hiện tình cảm sâu sắc đối với dòng sông Đà. Những quan sát, suy nghĩ, xúc cảm của ông rất tinh vi nhưng cũng rất chân thật, xuyên suốt cả tác phẩm là lời văn mạnh mẽ, dữ dội và đầy chiều sâu kiến thức lẫn chiều sâu của ngôn ngữ văn chương.

Kết bài người lái đò sông đà

  • Khẳng định lại vấn đề.
  • nêu ý nghĩa của hai đoạn văn và tác dụng của hai đoạn văn.
4/5 - (1 bình chọn)

Originally posted 2019-04-22 19:34:49.

Giới thiệu Trọng Dũng 408 bài viết
Xin Chào anh là Trọng Dũng quan trị viên của Hocvan12. Với niềm đam mê văn học cùng với sự hợp tác và tư vấn của các giảng viên, giáo viên đã tạo nên Hocvan12 với mục đích mang lại những giá trị tốt đẹp đến với những bạn học sinh. Hocvan12 mong muốn mang đến những bài giảng hay, những phương pháp mới để từ đó giúp đỡ cho quá trình học tập và ôn luyện của các bạn học sinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*