Đề thi chiếc thuyền ngoài xa theo hướng mới: Đề Bài: Đề thi chiếc thuyền ngoài xa theo hướng mới: Phân tích hai trạng thái cảm xúc trên của nghệ sĩ Phùng. Từ đó làm rõ quan niệm của nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống
Trong phần đầu đoạn trích “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã miêu tả hai trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Khi nhìn thấy chiếc thuyền ở ngoài khơi xa, Phùng “tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi chiếc thuyền lại gần bờ, Phùng đã chứng kiến cảnh lão đàn ông hùng hổ đánh vợ, khiến anh “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn” và “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”.
Đọc thêm: Sơ đồ tư duy Chiếc thuyền ngoại xa ngắn gọn dễ hiểu
Bài Làm
Được coi là người mở đầu tinh anh và tài năng nhất của nền văn học Việt Nam đương thời sau 1975, các sáng tác của Nguyễn minh châu thời kì này tập trung vào những câu chuyện đời thường, tìm kiếm cái đẹp hiện hữu trong cuộc sống. Chiếc thuyền ngoài xa là một truyện ngắn đặc sắc mang đậm khuynh hướng đó, qua những trải nghiệm và cảm xúc của nhân vật Phùng trong chuyến đi săn ảnh mà tác giả nêu lên quan niệm của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống.
Câu chuyện mở đầu bằng một tình huống tưởng chừng rất bình thường: nhiếp ảnh gia Phùng theo yêu cầu của cấp trên về vùng duyên hải để tìm kiếm, phát hiện và chụp những bức ảnh thật độc đáo đặc sắc cho bộ lịch năm tới. Đó thực chất chỉ là một cái cớ để mở ra những diễn biến của câu chuyện đầy nghịch lí phía sau và những nhận thức vỡ lẽ của anh. Suốt mấy buổi sáng “phục kích” mà vẫn chưa thu được chút thành quả nào, Phùng suy nghĩ suốt một tuần lễ và quyết định sẽ thu vào máy ảnh cảnh thuyền đánh cá thu lưới lúc bình minh.
Và rồi, một sáng sớm trời đầy sương, Phùng bất chợt phát hiện ra một “cảnh đắt trời cho”, một cảnh đẹp mà có lẽ cả đời bấm máy anh mới được diễm phúc gặp một lần, đó là khoảnh khắc một chiếc thuyền lưới vó đang chèo lại chỗ anh trên biển cả mênh mông hùng vĩ, tươi đẹp trong ánh bình minh rực rỡ “đẹp như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”.
Hình ảnh con thuyền được nhà văn khắc họa vô cùng ấn tượng: “mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lần trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”.
Đọc thêm: Dàn ý phân tích nhân vật Phùng qua tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa
Tất cả khung cảnh ấy “nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, mọi thứ từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp đơn giản mà toàn bích”. Là người nhạy cảm với cái đẹp, đứng trước bức tranh hoàn mĩ đến ngỡ ngàng ấy, Phùng không thể giữ mình khỏi bối rối, xao xuyến, “trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”, anh tưởng như chính mình vừa khám phá thấy cái “chân lí của sự toàn diện, thấy cái khoảnh khắc trong ngần trong tâm hồn”.
Cảm xúc thẩm mĩ dấy lên trong lòng và tâm hồn như được gột rửa trở nên thật trong trẻo, tinh khôi, điều này mang ý nghĩa rằng cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Qua khoảnh khắc đáng giá và “cảnh đắt trời cho” của chiếc thuyền lưới vó mà Phùng may mắn phát hiện được, nhà văn muốn nhắn gửi tới độc giả thông điệp về nghệ thuật chân chính: người nghệ là luôn luôn khát khao đi tìm cái đẹp, cái đẹp tuy hiện hữu ở mọi nơi nhưng muốn thấy được nó thì phải kiên nhẫn đầu tư nhiều thời gian và công sức lao động nghệ thuật, phải thực sự lăn mình vào cuộc sống, hòa nhập và cảm nhận hết dư vị của nó. Tác giả cũng muốn khẳng định cái đẹp tồn tại ở chính cuộc sống con người, giữa thiên nhiên hùng vĩ, chinh phục hoàn toàn những khát vọng thẩm mĩ của người nghệ sĩ trẻ.
Nhưng ngay khi con thuyền tiến lại gần chỗ anh đứng, một cảnh tượng mà anh không bao giờ ngờ đến có thể xảy ra ngay trước mặt anh, ngay trong cái khoảnh khắc rực rỡ của cái đẹp ngàn năm mới gặp, một người đàn ông và một người đàn bà rời chiếc thuyền, đi qua chỗ nhà nhiếp ảnh đang đứng rồi bỗng người đàn ông trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng trong cơn giận dữ như lửa cháy quật tới tấp lên lưng người đàn bà kia, vừa đánh đập dã man vừa chửi rủa không ngớt; người đàn bà thi cam chịu đầy nhẫn nhục, không kêu van cũng không chống trả.
Đọc thêm: So sánh vẻ đẹp khuất lấp của vợ nhặt và người đàn bà
Cảnh tượng kinh hoàng ấy khiến Phùng ngạc nhiên tới mức “trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Đó là điều rất dễ hiểu, bất cứ ai khi gặp cảnh đó cũng sẽ phản ứng như vậy, huống chi anh lại là một người làm nghệ thuật có con tim nhạy cảm dễ xúc động; và thậm chí vừa mới lúc nãy đây thôi, anh đã bị xúc động bởi vẻ đẹp toàn bích, hoàn hảo tựa tranh vẽ của con thuyền thì lúc này, chính từ trong con thuyền ấy lại xuất hiện một cảnh tượng bạo lực hãi hùng.
Có lẽ Phùng không thể ngờ đằng sau cái đẹp tưởng như toàn mĩ lại là một sự thật xấu xa tăm tối; đằng sau những thước phim đẹp huyền diệu lại là cuộc sống đầy ngang trái, bi kịch của gia đình thuyền chài. Rồi không biết tự lúc nào Phùng đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới, hành động này xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, luôn bảo vệ lẽ phải và cũng cho thấy sự dũng cảm đấu tranh cho công lí trong con người anh. Phùng không chỉ là người nghệ sĩ đam mê nghệ thuật chân chính mà anh còn là người có lòng nhân ái, giàu tình yêu thương.
Từ tình huống nhận thức đầy ngỡ ngàng của nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm đến bạn đọc quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Rằng cuộc sống đời thường là nơi sản sinh ra nghệ thuật nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng là nghệ thuật; hình tượng chiếc thuyền là cái đẹp của nghệ thuật thì ở ngoài xa – một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp, còn bản chất của cuộc đời thì lại ở rất gần.
Đọc thêm: Dàn ý chi tiết tính sử thi trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
Khát vọng tìm đến cái đẹp để mong muốn làm cho con người đẹp lên là rất đáng quý nhưng không thể vì nghệ thuật mà quên đi cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để khám phá cuộc sống. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời.
Việc chọn điểm nhìn trần thuật khéo léo từ nhân vật Phùng đã giúp tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, tác giả dễ dàng gửi gắm tới độc giả quan niệm về mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Nghê thuật không phải là ánh trăng lừa dối, cũng không phải thứ gì xa vời trừu tượng, nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống và phản ánh lại cuộc sống.
Originally posted 2019-04-17 18:05:28.
hay quá ạ
cảm ơn anh. mặc dù em chỉ học văn để tốt nghiệp ^^