Phân tích nhân vật Thị Nở ngắn gọn
Đề bài: Phân tích nhân vật Thị Nở ngắn gọn
Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn chuyên viết về hình ảnh người nông dân. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông tác phẩm được đánh giá như một kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại, đó là truyện ngắn “Chí Phèo”. Bên cạnh nhân vật chính Chí Phèo, còn một nhân vật đặc biệt không thể không nhắc đến đó là Thị Nở – một người đàn bà xấu xí và dở hơi có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam nhưng chính người đàn bà này lại là người đánh thức con người lương thiện đã ngủ quên trong Chí Phèo đã từ lâu rồi..
Liên quan: Sơ đồ tư duy Chí Phèo độc lạ nhưng hiệu quả
Nhân vật Thị Nở được tác giả Nam Cao xây dựng là một người đàn bà xấu đến nỗi “ma chê quỷ hờn”. Tác giả Nam Cao viết: “cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: Nó ngắn đến nỗi mà bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu hai má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn…Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành…”.
Với những dòng miêu tả hết sức chân thật như thế này đã lột tả cho ta thấy được sự tàn canh, tàn nhẫn của Thị Nở. Người ta thường bảo ở đời hiếm có người nào vừa nghèo, vừa xấu lại còn ngẩn ngơ. Vâng, nghiệt ngã thay, ở Thị Nở tồn tại cả ba điều này. Thế nhưng không phải tự nhiên mà người đàn bà xấu tàn canh, tàn nhẫn này lại trở thành nhân vật chính trong kiệt tác “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, đó chính là dụng ý nghệ thuật cũng là dụng ý nhân văn mang ý nghĩa sâu xa, là tấm lòng của Nam Cao dành cho Chí Phèo.
Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi, được những người nông dân thật thà, chất phác của làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi lớn. Lớn lên, vì sự ghen tuông mù quáng của Bá Kiến mà hắn bị đẩy vào tù. Khi ra, hắn không còn là anh canh điền hiền lành lương thiện ngày nào nữa, khi đó hắn như con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại triền miên trong những cơn say với những lời chửi bới, rồi cả cái nghề rạch mặt ăn vạ của hắn nữa. Tất cả mọi người đều đã quay lưng lại với Chí và duy chỉ có Thị Nở là người bên cạnh hắn và quan tâm hắn. Và Thị Nở chính là người đánh thức con người lương thiện đã ngủ quên trong Chí.
Thị Nở tuy xấu xí, tính tình ngẩn ngơ nhưng lại có một tấm lòng trong sáng, thương người. Cả làng Vũ Đại ai cũng biết Thị Nở, một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng, đi gánh nước thuê để kiếm sống qua ngày. Thị cũng như Chí Phèo, là con người cô độc, không được ai yêu thương. Và có lẽ đây chính là dụng ý nghệ thuật của Nam Cao khi đẩy Thị Nở đến bên Chí Phèo.
Đọc thêm: “Chí Phèo “(Phần 2): Phân tích bi kịch cự tuyệt làm người của “Chí Phèo” trong truyện ngắn cùng tên
Những kẻ cùng đường trong xã hội được số phận đưa đẩy đến với nhau, yêu thương nhau, và trong phút chốc nảy nở ra thứ được gọi là tình yêu. Trong một đêm trăng sáng, Thị Nở đi gánh nước và ngủ quên ở bờ sông, tại đây Thị Nở đã gặp Chí Phèo say rượu và cả hai đã ăn nằm với nhau như vợ chồng. Chi tiết thể hiện Thị Nở là một người biết quan tâm người khác, đó là khi Thị Nở nghĩ về Chí Phèo sau đêm trăng hôm ấy: “Mình mà bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như vợ chồng…
Đêm qua thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà…”. Thị Nở thương Chí Phèo, một tình thương xuất phát từ trái tim, lòng cảm thông sâu sắc, không vụ lợi, không cá nhân. Chỉ đơn giản đó là tình yêu. Chí Phèo được ví như là con quỷ của làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng là người, cũng cần được yêu thương.
Hắn cần Thị và Thị cũng cần hắn. Sau hôm ấy, họ sống như vợ chồng suốt mấy ngày. Bát cháo hành là động lực, là sợi dây kết nối tình cảm giữa Thị Nở và Chí Phèo. Có thể nói Thị Nở và bát cháo hành của thị đã đánh thức phần người đã ngủ quên bao lâu nay trong Chí.
Trong những trang truyện dường như ngập chìm trong bóng tối của Chí Phèo, hình tượng nhân vật Thị Nở chính là tia sáng, đánh thức và khơi gợi lương tâm long con người Chí Phèo. Thị Nở chính là ‘cọng cỏ cứu mạng” của chí, là người mở ra cánh cửa trên con đường hoàn lương của Chí.
Đọc thêm: Vội vàng (phần 1): Sơ đồ tư duy chi tiết
Nhưng cũng chính Thị Nở, chính sự ngẩn ngơ trong con người Thị Nở đã đánh mất đi tình yêu của mình, đóng lại cánh cửa hoàn lương của Chí, đẩy Chí vào mức đường cùng. Dù sao chăng nữa thì cũng nhờ có Thị Nở mà cho đến khi Chí Phèo tự kết liễu đời mình thì hắn cũng đã cảm nhận được như thế nào là tình yêu, là tình người.
Có thể nói, Thị Nở là hiện thân của sự khao khát tình yêu lứa đôi bình dị, chân thành, mãnh liệt, không vụ lời. Thứ tình cảm mà Chí Phèo luôn khát khao nhưng lại không có được. Truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua đó, ta phần nào hiểu được cuộc sống khó khăn, khốn khổ, bần cùng của những người nông dân dưới ách thống trị phong kiến tàn bạo.
Originally posted 2019-02-24 19:52:13.
Để lại một phản hồi