Mở bài kết bài bài thơ Đất Nước hay nhất

Mở bài kết bài bài thơ Đất Nước
Mở bài kết bài bài thơ Đất Nước

(Mở bài kết bài bài thơ Đất Nước) Có thể nói bài thơ Đất Nước là bài thơ khó nhất của chương trình lớp 12 đơn giản vì nó quá dài. Thế nên việc có một mở bài hay của tác phẩm này cũng không phải đơn giản. Bây giờ hãy cùng Hocvan12 đến với: Mở bài kết bài bài thơ Đất Nước hay nhất

Mở bài Đất Nước

Mở bài đất nước hay nhất

Đất nước là một đề tài chẳng bao giờ cũ nhưng cũng không còn mới. Chế Lan Viên nhìn suốt chiều dài lịch sử oanh liệt để khẳng định: :Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Lê Anh Xuân đã tạc vào thơ một dáng đứng Việt Nam với hình ảnh: “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Tố Hữu với những hình ảnh đất nước sáng ngời: “Ôi! Việt Nam từ trong biền máu / Người vươn lên như một thiên thần”. Đất nước đó cũng rung lên mạnh mẽ khi “Tuổi trẻ không yên”, những tà “áo trắng” đã “xuống đường” trong “Mặt đường khát vọng” (1974) của Nguyễn Khoa Điềm.

Đọc thêm: Mở bài kết bài Việt Bắc chinh phục giám khảo ngay câu đầu tiên

Viết về đất nước, bàn luận về đất nước, truy tiềm nguồn cội của đất nước, định nghĩa đất nước đều là các khía cạnh khác nhau của một vấn đề có ý nghĩa chính luận. Nhưng với Nguyễn Khoa Điềm, cái phạm trù tưởng như khô khan và cũ mòn ấy lại được thể hiện bằng một ngòi bút đầy cảm xúc trữ tình, nồng nàn, tha thiết, được lọc qua một tâm hồn giàu suy tưởng và rất yêu mến nền văn hóa văn học dân gian của dân tộc.

Mở bài đất nước ngắn gọn

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh… Thơ Nguyễn Khoa Điềm hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình, giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm trích từ chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” là một trong những vần thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

Mở bài đất nước nâng cao

“Có mối tình nào  hơn Tổ quốc?”

(Trần Mai Ninh)

Bằng tình cảm yêu thương sâu nặng và cảm hứng nồng nàn về Tổ Quốc – các nhà thơ – chiến sĩ đã để lại cho núi sông này biết bao vần thơ đẹp về con người, đất nước Việt Nam. Nếu các nhà thơ khác cùng thời thường dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm lại cảm nhận về đất nước qua những gì hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị, mộc mạc gắn liền với mỗi con người như máu thịt, như hơi thở. Đất nước ấy tắm đẫm trong hương liệu văn hóa dân gian, trong tư tưởng lớn của thời đại – tư tưởng “Đất nước của nhân dân”.

Đọc thêm: Mở bài kết bài Tây Tiến chinh phục giám khảo ngay lập tức

Mở bài hay cho bài thơ đất nước

Đất Nước – hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta vừa cao cả, trang trọng, vừa xiết bao bình dị, gần gũi. Hình tượng Đất nước đã khơi nguồn cho biết bao hồn thơ cất cánh. Văn học kháng chiến 1945 – 1975, trong mạch chảy ngầm dạt dào, mãnh liệt của cuộc sống không chỉ bắt được những âm vang náo nức của thời đại mà còn khắc tạc nên tượng đài nghệ thuật Đất nước thật nên thơ, cao đẹp. Từ khói lửa Bình Trị Thiên những năm đánh Mỹ, Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm như bản giao hưởng trầm hùng đã bay lên với bao yêu thương cháy bỏng, ngân nga mãi cùng tháng năm.

Kết bài Đất nước

Kết bài đất nước hay

Chất liệu văn học dân gian đã được sử dụng không còn ở dạng nguyên sơ mà đã được chuyển hóa trong cách cảm cách nghĩ trong lời thơ, giọng điệu. Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa như những điển tích điển cố để tạo nên tính hình tượng đa nghĩa trong thơ ca. Những yếu tố của văn hóa dân gian đã hòa hợp thật kì diệu vvới tinh thần hiện đại. Nhà thơ đã lấy cái xưa cũ để nói chuyện hôm nay, lấy quá khứ để nói hiện tại và liên tưởng đến tương lai của đất nước. Nhà thơ xứng đáng là người đại diện cho dân tộc mình, thế hệ mình để ngợi ca về Đất Nước, Nhân dân.

Đọc thêm: Phân tích 9 câu thơ đầu bài đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Kết bài trực tiết đất nước

Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai)

Đọc thêm: Sơ đồ tư duy: Đất Nước: Dài thành ngắn, khó thành dễ

3.2/5 - (4 bình chọn)

Originally posted 2019-02-24 22:28:09.

Giới thiệu Trọng Dũng 408 bài viết
Xin Chào anh là Trọng Dũng quan trị viên của Hocvan12. Với niềm đam mê văn học cùng với sự hợp tác và tư vấn của các giảng viên, giáo viên đã tạo nên Hocvan12 với mục đích mang lại những giá trị tốt đẹp đến với những bạn học sinh. Hocvan12 mong muốn mang đến những bài giảng hay, những phương pháp mới để từ đó giúp đỡ cho quá trình học tập và ôn luyện của các bạn học sinh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*