10 Dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp giúp bạn ăn trọn 3 điểm

10 dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp trong phần đọc hiểu văn bản
10 dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp trong phần đọc hiểu văn bản

10 dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp: Xin chào các thành viên trong gia đình Hocvan12! Hôm nay mình cực kì, cực kì sốt ruột để chia sẻ cho các bạn bài viết này, một bài viết mà mình đã mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu về “10 dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp giúp bạn ăn trọn 3 điểm ” và mong rằng nó sẽ đem lại hiệu quả cao nhất giúp các bạn đạt điểm tối đa trong bài đọc hiểu văn bản.

Mình đã tổng hợp các cách ra đề của vài năm gần đây từ đề thi THPT Quốc gia đến các đề thi ở trường, kể cả các đề dự phòng hay là đề mẫu, cùng với đó là các cách ra đề của các thầy cô bộ môn văn trong các giờ kiểm tra… Để tổng hợp lại 10 dạng câu hỏi đọc hiểu thương gặp mà có mật độ xuất hiện nhiều nhất và chắc chắn đề THPT Quốc Gia cũng sẽ không nằm ngoài (mình chắc chắn là như vậy ).

Vậy nên, hãy nhớ 10 Dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp giúp bạn ăn trọn 3 điểm và cách làm của mỗi câu, bạn sẽ có một công cụ tốt để làm được bài đọc hiểu một cách dễ dàng. Đợi chờ gì nữa mà không bắt đầu thôi.

Đọc thêm: Bí Quyết Đạt Điểm Tối Đa Bài Đọc Hiểu Với Sơ Đồ Tư Duy

cách làm bài đọc hiểu

I: 10 Dạng câu hỏi đọc hiểu thường gặp giúp bạn ăn trọn 3 điểm

1.  Dạng câu hỏi đọc hiểu số 1: Nhận diện phong cách ngôn ngữ.

Đây là một câu hỏi rất hay xuất hiện ở trong mọi đề thi, nó thường nằm ở câu 1 của phần đọc hiểu và chiếm 0.5đ. Chính vì thế, để làm được câu này là hoàn toàn đơn giản các bạn chỉ cần nhớ khái niệm của mỗi phong cách ngôn ngữ là có thể giải quyết dễ dàng.

2. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 2: Phương thức biểu đạt.

Câu hỏi này cũng tương tự như trên và nó cực kì đơn giản để mọi người có thể kiếm được 0,5đ.

3. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 3: Thao tác lập luận.

Đây là một câu hỏi trong phần 1 của bài đọc hiểu nhưng điều đáng nói và cũng hơi buồn đó là rất nhiều bạn không làm được câu hỏi này, và cũng rất nhiều bạn có sự  nhầm lẫn tai hại là không phân biệt được như thế nào là thao tác lập luận và phương thức biểu đạt.

4. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 4: Chỉ ra biện pháp tu từ và nêu hiệu quả.

Câu hỏi này chắc chắn đã rất quen thuộc với các bạn. Hầu như (mình nói hầu như chứ không phải tất cả) bài nào cũng có câu này và nó thuộc vào câu hỏi số 2 hoặc số 3 trong phần đọc hiểu. Tuy là quen thuộc nhưng để lấy 1 điểm  của nó thì không phải dễ dàng. Nhưng các bạn yên tâm trong phần 2 của bài viết này mình sẽ cho các bạn thấy “câu thần chú để mở mọi cách cửa ” đối với câu hỏi này.

5. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 5: Phân biệt thể thơ

6. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 6: Xác định nội dung chính của văn bản

7. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 7: Xác định câu chủ đề và cấu trúc đoạn văn

8. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 8: Từ bài đọc hiểu trên, anh chị hãy rút ra cho bản thân mình một bài học sâu sắc nhất/ một thông  điệp ý nghĩa nhất.

Đây là câu hỏi có khả năng vào rất cao, mình xin nhắc lại là rất cao. Vì một vài năm gần đây kiểu hỏi này rất được ưa chuộng trong cả thi cử hay kiểm tra…

9.  Dạng câu hỏi đọc hiểu số 9: anh/ chị suy nghĩ thế nào về…anh/ chị hiểu như thế nào về…(một vấn đề nào đó được trích ra một văn bản )

Câu hỏi này thuộc vào câu 3 hoặc câu 4 của bài đọc hiểu và chắc chắn nhiều bạn sẽ cảm thấy khó khăn với câu hỏi này.

10. Dạng câu hỏi đọc hiểu số 10: Tại sao các giả lại nói:”… “

Kiểu câu này khá giống với câu hỏi số 9 và đòi hỏi bạn phải trình bày khá chi tiết vì đây là một câu hỏi 1đ.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách làm bài đọc hiểu văn bản để đạt trọn vẹn 3 điểm.

II: Cách làm các dạng câu hỏi thường gặp

1. Câu Hỏi 1:

Tính tới hết lớp 12 thì các bạn sẽ được học tổng cộng 6 phong cách ngôn ngữ gồm:

  • Phong cách ngôn ngữ khoa học
  • Phong cách ngôn báo chí
  • Phong cách ngôn sinh hoạt
  • Phong cách ngôn hành chính
  • Phong cách ngôn chính luận
  • Phong cách ngôn nghệ thuật
các dạng phong cách ngôn ngữ
các dạng phong cách ngôn ngữ

Nhưng trong 6 phong cách ngôn ngữ này thì quan trọng nhất và hay xuất hiện trong đề thi nhất chỉ có gồm 3 phong cách là: Báo chí, nghệ thuật và chính luận.Và để xác định nó thì cũng rất đơn giản bạn chỉ cần nhớ một cách nôm na là phong cách ngôn ngữ báo chí thì dùng trong các thể loại như bản tin, phóng sự, phỏng vấn, tiểu phẩm,… hay phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thì được dùng trong một số thể loại như: trò chuyện, tin nhắn, thư từ, nhật kí.

Nói chung để phát hiện văn bản thuộc phong cách nào thì chỉ cần xác định thể loại của văn bản đó và từ đó suy ra được phong cách ngôn ngữ.Chỉ riêng phong cách ngôn ngữ khoa học là hơi phức tạp một chút nhưng các bạn cũng chỉ cần nhớ một số thể loại của phong cách này như: tiểu luận, luận văn, giáo án, giáo trình, sách giáo khoa,…

2. Câu hỏi 2: phương thức biểu đạt

Gồm có: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công cụ. Thì trong tất cả các phương thức kể trên thì nghị luận và biểu cảm là phổ biến hơn cả, khi có một câu hỏi dạng này bạn hãy để ý đầu tiên tới 2 phương thức trên.(còn việc xác định chắc mình không phải nói thêm nữa ).

3. Câu  hỏi 3: Thao tác lập luận

Đây là một câu hỏi không quá khó nhưng lại có rất rất nhiều bạn mất điểm một cách đáng tiếc vì một số lý do và đặc biệt lý do đáng tiếc nhất đó là hiểu nhầm thao tác lập luận thành phương thức biểu đạt. Thế nên mình sẽ nhắc lại kĩ cho các bạn phần này và giúp các bạn có cách để ghi nhớ nó tốt nhất

các thao tác lập luận
các thao tác lập luận
  • Giải thích: Để nhớ được nó bạn chỉ cần nghĩ là giải thích nó giống như việc mình đang giảng, giải thích cho thằng bạn mình một bài toán mà nó chưa hiểu.
  • Phân tích: Nó giống như bạn đang nhận xét một người khác:” à ừ, mặt này của nó tốt, mặt kia của nó xấu”. Nói tóm lại nó giống với việc bạn chia nhỏ một vấn đề ra.
  • Chứng minh: bạn có thể nhớ một cách ngắn gọn là thao tác chứng mình giống với việc bạn chứng minh cho f(x)=g(x).
  • So sánh: đây là thao tác dễ xác định nhất vì nó khá giống với biện pháp so sánh. Trong văn bản thường có 2 hoặc nhiều vấn đề và các vấn đề được tác giả so sánh xem cái này có bằng hay hơn cái kia không.
  • Bình luận: Là nêu ra ý kiến của mình về một vấn đề, nó giống với việc các bạn ngồi “chém gió” với nhau về việc có nên bỏ thi THPT Quốc Gia. Đứa thì bảo tao đồng ý, nhưng mà có đứa  lại cho rằng đó là không nên.
  • Bác bỏ: Thao tác này cũng rất dễ xác định, bạn thấy rằng nhận định này là sai không căn cứ và bạn cho rằng nhận định của bạn mới là đúng.

Nói chung hãy liên tưởng về một hình ảnh liên quan nó sẽ giúp bạn dễ hiểu và nhớ lâu hơn rất nhiều.

4. Câu hỏi 4: Biện pháp tu từ và nêu hiệu quả

Đây mới là điều quan trọng mình cần nói. Có một số biện pháp quan trọng như: So sánh, nhân hóa, các phép điệp, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê. Nhưng cho dù là gì đi nữa thì việc của bạn chỉ cần xác định được biện pháp tu từ đó còn việc nêu hiệu quả đã có câu thần chúcủa mình lo. Với việc áp dụng đúng câu thần chú này bạn có thể giải quyết được mọi biện pháp:

các biện pháp tu từ
các biện pháp tu từ

“BPTT này làm cho lời thơ/ câu văn/ lời diễn đạt trở nên sinh động, gợi hình, gợi cảm, hấp dẫn, có hồn, cụ thể, ấn tượng hơn, đồng thời nhấn mạnh vào….(nội dung của phép tu từ ), qua đó thể…(quan niệm tình cảm về đối tượng ) của tác giả “.Mình sẽ ví dụ ngày một câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Những quần đảo long lanh như ngọc dát”.Vậy đầu tiên các bạn xác định được đây là biện pháp tu từ so sánh. Sau đó áp dụng câu thần chú của mình để nêu lên hiệu quả: “BPTT so sánh làm cho lời thơ trở nên sinh động, gợi hình, gợi cảm, có hồn, cụ thể, ấn tượng hơn, đồng thời nhấn mạnh vào vẻ đẹp của những quần đảo quê hương qua đó thể hiện niềm tự hào và yêu quê hương cả tác giả Trần Đăng Khoa “. Áp dụng đúng như vậy thì câu trả lời của bạn rất khó để mất điểm.

5. Phân biệt thể thơ:

Trong chương trình học thì các bạn đã được học khá nhiều thể thơ: thơ cổ thì có thất ngôn bát cú đường luật, thơ dân tộc thì có lục bát, song thất lục bát… hay hiện đại thì có thể thơ tự do, năm tiếng, bảy tiếng…Vậy cách làm tối ưu nhất trong dạng câu hỏi này là đếm số chữ trong câu thơ để xác định. Và chủ yếu nó sẽ rơi vào thể thơ tự do, năm tiếng và lục bát.

6. Xác định nội dung chính của văn bản

Đây là câu hỏi khá dễ vì nó đã có sẵn trong văn bản rồi nhưng rất tiếc là rất nhiều bạn vẫn bị mất điểm do trả lời thiếu ý. Vậy để làm dạng câu hỏi này các bạn phải nhớ: muốn xác định đúng nội dung chính thì phải căn cứ vào:

  • Căn cứ vào tiêu đề(nhan đề ) và nguồn của văn bản được trích.
  • Căn cứ vào những hình ảnh đặc sắc
  • Căn cứ vào những câu văn, lời thơ, từ ngữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần

7. Xác định câu chủ đề và cấu trúc đoạn văn

Với dạng câu này thì xác định được câu chủ đề đồng nghĩa với việc biết được cấu trúc đoạn văn. Thường thì câu chủ đề nằm ở đầu hoặc cuối đoạn văn đồng nghĩa với cấu trúc diễn dịch hay quy nạp.

Đọc thêm: 3 Đề đọc hiểu ngữ văn 12 có đáp án chi tiết

8. Câu hỏi số 8: (xem lại ở phần một )

Kiểu câu hỏi này khá khó nên mình có một lưu ý là các bạn nên rút ra thông điệp nào có tầm khái quát nhất chứ đừng rút ra thông điểm quá ngắn gọn, quá cá nhân. Đây là câu hỏi 1 điểm thế nên đừng nghĩ chiếm được 1 điểm của người ta dễ như vậy.Nhưng các bạn yên tâm là mình vẫn sẽ có công thức cho phần này. Nó sẽ gồm 6 ý như sau, nhớ là 6 ý

  1. Thông điệp sâu sắc nhất đối với tôi là: chúng ta cần…; nên…; phải…; đừng…; (ở dấu 3 chấm các  bạn điền vào đó ý nghĩa của thông điệp, tổng quát như: cần làm gì, nên làm gì, phải làm gì và đừng làm gì )
  2. Theo tôi đây là thông điệp ý nghĩa nhất đối với tôi vì nó cho tôi thấy rằng… hoặc nó cho tôi nhận ra rằng…
  3. Chốt lại rằng không những vậy thông điệp này không chỉ có ý nghĩa với riêng tôi mà chắc chắn nó còn có ý nghĩa với tất cả mọi người.

9. Câu hỏi số 9: (xem lại ở phần một )

Câu hỏi này là câu hỏi mình thấy các bạn gặp khá nhiều khó khăn cho dù đáp án đã nằm sẵn trong đầu của các bạn rồi. Nhưng tiếc là các bạn không đủ tự tin để trình bày nó ra. Thế nên từ giờ hãy tự tin hơn, nói hết suy nghĩ của mình ra và áp nó vào công thức này:

  1. Theo tôi, vấn đề này có ý nghĩa như sau:…(bạn có thể nêu ra một hoặc vài ý kiến, quan niệm của mình không sao cả. Miễn là bạn thấy nó là đúng nhất )
  2. Nhận định điều này đúng hay sai
  3. Tán thành/ không tán thành.

10. Dạng câu hỏi: Tại sao các giả lại nói:”… “

Mình thấy nhiều bạn cho rằng đây là câu hỏi khó nhất của bài, nhưng mà nó hoàn toàn không quá khó như vậy, chỉ là do các bạn chưa biết cách làm cho nó dễ thôi. Thế nên sau bài đọc này hãy nhớ cho mình quy tắc “3 vì “. Nó đơn giản là trong câu trả lời của bạn sẽ có 3 phần là: vì 1, vì 2, vì 3. 

quy tắc 3 vì
quy tắc 3 vì
  • Vì 1: Là các bạn đi tìm ý trong văn bản, những ý mà tác giả cho là tại sao cho là như vậy, rồi ghi ra.
  • Vì 2: Là trình bày suy nghĩ của các bạn về vấn đề đó.
  • Vì 3: Là lật ngược lại vấn đề: Nếu không như vậy thì sao…

Vậy là đã xong 10 dạng câu hỏi đọc hiểu quan trọng ngày hôm nay, mình nghĩ đây là những chia sẻ, kinh nghiệm mà các bạn hoàn toàn có thể áp dụng trong làm bài. Hãy thử tìm một bài đọc hiểu rồi thử áp dụng những kinh nghiệm trên vào và xem kết quả là gì.Nhớ comment cho mình biết kết quả bài test của bạn. Ngoài ra hãy ghé thăm Hocvan12 nhiều hơn để nhận thêm nhiều cách làm bài, kinh nghiệm làm bài bổ ích khác.

4.5/5 - (33 bình chọn)

Originally posted 2018-07-28 02:30:00.

Giới thiệu Trọng Dũng 408 bài viết
Xin Chào anh là Trọng Dũng quan trị viên của Hocvan12. Với niềm đam mê văn học cùng với sự hợp tác và tư vấn của các giảng viên, giáo viên đã tạo nên Hocvan12 với mục đích mang lại những giá trị tốt đẹp đến với những bạn học sinh. Hocvan12 mong muốn mang đến những bài giảng hay, những phương pháp mới để từ đó giúp đỡ cho quá trình học tập và ôn luyện của các bạn học sinh.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*